Năm học mới: Tinh giản chương trình, giảm thời gian thực học trên lớp
Hà Nội khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tiếp, không kéo dài quá 45 phút Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch dịp nghỉ lễ 2/9 và khai giảng năm học mới |
Nhiều kịch bản cho lễ khai giảng
Ghi nhận của phóng viên, hai ngày 29.8 và 30.8, các trường học trên địa Hà Nội đã thực hiện công tác khử khuẩn lớp học, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang dự phòng, nước rửa tay sát khuẩn. Giáo viên được huy động để đến trường lau dọn bàn ghế, đồ dùng học tập, sẵn sàng đón học sinh tựu trường vào ngày 1.9 tới. Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mọi quy định về giãn cách học sinh và các biện pháp phòng chống dịch đều được các trường tiếp tục duy trì thực hiện như với thời điểm học sinh trở lại trường trong học kỳ II của năm học trước.
Theo ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới sẽ được Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tiếp, không quá 45 phút và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Trong đó, các trường lưu ý đến hoạt động đón học sinh đầu cấp, tuỳ điều kiện thực tế của mỗi trường, sẽ bố trí tập trung học sinh dưới sân trường hoặc ngồi trên lớp và đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang.
Lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô cũng quán triệt các trường không được tổ chức diễu hành, tổng duyệt, văn nghệ và không thả bóng bay. Sau lễ khai giảng, học sinh lên lớp học tiết đầu tiên về giáo dục nếp sống văn minh, nội quy và công tác phòng chống dịch. Riêng cấp mầm non tổ chức khai giảng tại từng lớp học không quá 60 phút.
Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường học thực hiện rà soát giáo viên, nhân viên, học sinh có biểu hiện ho, sốt không tham dự lễ khai giảng, đề nghị phụ huynh học sinh không tụ tập trước cổng trường…
Với lãnh đạo các trường học và giáo viên, lễ khai giảng năm học 2020-2021 sẽ là buổi lễ đặc biệt, đặt ra những bài toán đòi hỏi phải có kịch bản, phương án tổ chức lễ khai giảng sao cho ý nghĩa. Buổi lễ sẽ phải truyền được thông điệp và động lực cho học sinh bắt đầu một năm học mới đầy khí thế, nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em.
Lãnh đạo Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nhà trường đang chuẩn bị các tình huống cho lễ khai giảng đặc biệt. Đầu tiên là dành ngày 1.9 để đón học sinh đầu cấp lớp 6. Vào ngày 5.9, trường đang cân nhắc phương án sẽ cho khối 6, 7, 9 tổ chức khai giảng theo từng lớp, riêng khối 8 sẽ dự lễ khai giảng ở sân trường.
Hiệu trưởng một số trường tại Hà Nội cũng cho biết, sẽ không yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong lớp, vì ngoài học tập, học sinh còn vui chơi, ăn uống.
Ở TPHCM, các trường học trên toàn thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học 2020-2021 đồng loạt vào sáng 5.9. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, nhất là thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 nên phương án tổ chức lễ khai giảng sẽ tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự với mỗi lớp từ 10 đến 20 học sinh (riêng học sinh các lớp đầu cấp dự đầy đủ).
Chương trình lễ khai giảng sẽ được các trường thực hiện ngắn gọn khoảng 60 phút. Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, khai giảng được tổ chức dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng trường và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Còn tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số nơi đang có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, lễ khai giảng sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt tại Đà Nẵng, Sở GDĐT sẽ tổ chức chương trình “Đà Nẵng-Chào năm học mới” trên đài truyền hình địa phương vào 7h ngày 5/9 để học sinh, giáo viên, phụ huynh toàn thành phố theo dõi, có thêm động lực, khí thế bước vào năm học mới.
Giảm tải nội dung 10 năm học
Để giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên trước khi bước vào năm học mới, Bộ GDĐT đã thực hiện giảm tải nội dung của 10 môn học từ lớp 6 đến lớp 12, phù hợp với tình hình mới: Vừa phải dạy học vừa chống dịch, kết hợp giữa dạy online và dạy trực tiếp.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT - nói rằng, trước đây, bậc học THCS, THPT có 37 tuần thực học. Bộ GDĐT đã tính toán, từ năm học mới này sẽ giảm xuống còn 35 tuần thực học. Bộ không giảm tải cơ học mà có giải pháp đồng bộ để giảm được 2 tuần thực học, dù học 35 tuần mà vẫn đạt hiệu quả hơn.
Hướng tinh giản mà Bộ GDĐT thực hiện là lược bớt những nội dung trùng lặp, không phù hợp với học sinh, tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tăng thực hành, trải nghiệm cho học sinh. Việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, 10 môn học được điều chỉnh nội dung dạy học, giảm tải gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Với việc được giảm 2 tuần thực học, học sinh cũng sẽ có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, giảm được áp lực học tập và thi cử.