Năm 2024, quyết liệt tháo gỡ khó khăn để hoàn thành tốt các mục tiêu
Chốt 8 chính sách đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù cho chương trình mục tiêu quốc gia |
Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định mục tiêu tổng quát và 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong đó, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, Việt Nam đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,0-6,5% so với mức tăng năm 2023 là 5,05% đã thể hiện ưu tiên tăng trưởng để tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không đề ra mục tiêu tăng trưởng nóng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. |
Ông Thịnh cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đề ra 6,0-6,5% là mức tăng trưởng cao ở khu vực và trên thế giới. Đây là chỉ tiêu rất thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, xung đột và khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, đe doạ đến các chuỗi cung ứng và tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Trong nước, chúng ta cần đảm bảo tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Vì vậy, để đạt đạt chỉ tiêu này, cần có sư nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thịnh, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,0-6,5% trong năm 2024 thì ngay từ đầu năm cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thong, hạ tầng năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số... Cùng với đó là khắc phục tình trạng đầu năm đủng đỉnh trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời là việc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết các điểm nghẽn để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực, dự án ưu tiên.
Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đây là lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, có tiềm năng và còn rất nhiều dự địa để phát triển; tập trung đầu tư chuyên sâu để làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thông qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này và nâng cao thu nhập cho người lao động trong khu vực nông nghiệp và nông dân.