Muốn mua nợ, tổ chức tín dụng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Thời hạn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đến khi nào? Các ngân hàng thanh khoản dồi dào, không thiếu vốn Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn không phải do tín dụng ngân hàng |
Có hiệu lực từ ngày 9/2/2023, Thông tư số 18/2022/TT-NHNN đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trong quá trình triển khai thực hiện với những quy định mới về hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng.
Thông tư số 18/2022/TT-NHNN, ngày 26/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều quy định mới.
Trong đó, NHNN quy định về phạm vi điều chỉnh; không áp dụng đối với hoạt động mua, bán nợ xấu giữa TCTD và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); hoạt động mua, bán nợ phát sinh từ hợp đồng vay, cho vay giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư quy định bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm: các TCTD được NHNN chấp thuận hoạt động mua nợ; tổ chức, cá nhân khác bao gồm cả tổ chức, cá nhân là người cư trú và người không cư trú. Giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ được mua bán gồm giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, dư nợ lãi của khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ (nếu có) đến thời điểm mua, bán nợ đang được hạch toán nội bảng.
Về nguyên tắc thực hiện mua bán nợ, Thông tư sửa đổi và bổ sung quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được NHNN xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt.
TCTD bán nợ thì không phải xin phép NHNN. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được NHNN chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. (Ảnh minh họa) |
Theo Thông tư này, trước khi thực hiện mua, bán nợ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ, phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ).
Theo thông tư số 18/2022-TT-NHNN, bên bán nợ không mua lại khoản nợ đã bán, trừ các trường hợp TCTD mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều này. TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các TCTD.
TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều này. TCTD thực hiện mua lại khoản nợ đã bán quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản này theo nội dung đã cam kết mua lại khoản nợ tại phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp khoản nợ mua lại đang được tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước nhưng không còn được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bán thay thế bằng khoản nợ đủ tiêu chuẩn khác. Đến hạn trả nợ vay đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chưa có đủ tiền để hoàn trả nợ vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước theo kế hoạch trả nợ vay đặc biệt.
Theo thông tư, TCTD không được bán nợ cho công ty con trừ các trường hợp: Bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản theo phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ thuộc sở hữu của chính TCTD. TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ trong các trường hợp sau: TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các TCTD; TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD hỗ trợ theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các TCTD.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các trường hợp mua nợ quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều này.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu được chấp thuận hoạt động mua nợ lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính NHNN (Bộ phận Một cửa). Bên bán nợ ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Thông tư số 18/2022-TT-NHNN cũng quy định trường hợp bên mua nợ và bên bán nợ có thỏa thuận về việc bên mua nợ được trả tiền mua nợ (một phần hoặc toàn bộ số tiền mua nợ) sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ thì các bên phải đảm bảo các yêu cầu về thời hạn hoàn thành thanh toán số tiền mua, bán nợ của bên mua nợ cho bên bán nợ tối đa là 60 ngày, tính từ ngày hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, số tiền mà bên mua nợ chưa thanh toán đủ cho bên bán nợ theo hợp đồng mua, bán nợ phải được bảo đảm 100% khả năng thanh toán bằng các loại tài sản có tính thanh khoản cao, bao gồm: Tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; Vàng miếng theo quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng mức AA- trở lên (theo Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo Moody’s) và được niêm yết trên thị trường chứng khoán; Cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Về giá trị của các tài sản dùng để bảo đảm cho số tiền mua nợ được trả sau quy định tại khoản 2 Điều này được xác định theo nguyên tắc xác định giá trị tài sản bảo đảm để tính khấu trừ khi trích lập dự phòng rủi ro tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm.
Trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư này và sử dụng khoản nợ được mua này để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước, việc bảo đảm cho số tiền mua nợ mà bên mua nợ được trả sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ được mua bán từ bên bán nợ (nếu có) do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động mua bán nợ; đấu giá; Hội đồng mua, bán nợ; định giá khoản nợ; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; xử lý tài chính, hạch toán kế toán…