Nợ xấu và nợ nhóm hai tại các dự án giao thông chiếm tỷ lệ rất cao
Đại biểu Quốc hội lo ngại nợ xấu có xu hướng tăng Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng |
Ngân hàng thận trọng cho vay dự án giao thông
Sáng 11/11, nêu vấn đề chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy dư nợ tín dụng đối với các dự án giao thông đang có xu hướng giảm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân có phải do nhà đầu tư dự án đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay hay không. Trong thời gian tới, Thống đốc có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông?
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang). |
Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, đường cao tốc là lĩnh vực mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
“Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng km đường xây dựng so với thời gian trước đã tăng lên rất nhanh và nhiệm vụ cho giai đoạn tới đến năm 2030 để có được 5.000 km đường cao tốc là mục tiêu rất lớn. Đường cao tốc cần nguồn vốn vay dài hạn. Cho nên đòi hỏi phải đa dạng hóa các nguồn lực từ nhiều kênh”, bà Hồng nêu rõ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá, theo dõi và trước đây cũng có các dự án về đường cao tốc, các ngân hàng đã tham gia vay vốn, tổng dư nợ các khoản cho vay các dự án đường cao tốc này khoảng trên dưới 100 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, nợ xấu và nợ nhóm hai của các dự án này đang chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20%, và nguyên nhân khác còn do tiền trả nợ làm đường cao tốc thường đến từ nguồn thu phí.
Vì vậy, nếu chính sách thu phí đường cao tốc thường xuyên thay đổi hay các phương án tài chính của các dự án xây dựng đường cao tốc thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các dự án này. Do đó, các tổ chức tín dụng khá thận trọng, còn khuôn khổ pháp lý hiện đã đầy đủ.
Nói về giải pháp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với giải pháp về nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường cho vay đồng tài trợ đối với những dự án lớn.
“Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng và liên quan đến chống biến đổi khí hậu, việc huy động nguồn lực từ nước ngoài là cần thiết, đặc biệt đối với các dự án ODA trợ giúp phát triển chính thức như Ngân hàng ADB, Ngân hàng WB, quan trọng nhất là chúng ta cân đối vay bao nhiêu để đảm bảo cân đối của nền kinh tế cũng như đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận thiện. Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập tổ công tác để giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Miễn, giảm lãi vay cho các dự án bất động sản
Cũng nêu chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hiện nay. Đặc biệt là cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh). |
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ.
Trrong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Liên quan đến các thông tư cho vay của Chính phủ hiện đã dừng và chưa thực hiện. Còn việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.
Liên quan đến nguồn lực đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gói 120 nghìn tỷ đồng và sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới.
Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và khi được bố trí nguồn thì các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai thực hiện chương trình.