Doanh nghiệp Nhà nước được tăng phân cấp, phân quyền

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm thể hiện rõ tinh thần phân công rõ, phân cấp mạnh, không can thiệp vào công tác điều hành của doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội: Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí

Sáng 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy về phân cấp, phân quyền

Hiện nay một số nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) khi áp dụng trong thực tiễn đã nảy sinh những hạn chế, bất cập.

Theo đó, tại Luật số 69/2014/QH13 hiện đang quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp có tài sản hoạt động sản xuất, kinh doanh được hình thành từ việc thực hiện dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (Điều 11); xem xét, quyết định chủ trương thành lập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định thành lập (Điều 12); quyết định đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập (Điều 14).

Doanh nghiệp Nhà nước được tăng phân cấp, phân quyền
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn đối với các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thành lập hoặc được giao quản lý (Điều 15) và quyết định đầu tư vốn Nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp có tiêu chí tương đương với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 20).

Ngoài ra, tại Điều 24 và 28 Luật 69 quy định dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định và đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị quá mức dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Hiện nay, có 28 doanh nghiệp (bao gồm cả các ngân hàng thương mại có vốn đầu tư của nhà nước) do Thủ tướng Chính phủ thành lập; việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp như hiện nay làm tăng khối lượng công việc, sự vụ của Thủ tướng Chính phủ, giảm vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu - cơ quan đóng vai trò là “nhà đầu tư Nhà nước” tại doanh nghiệp.

Một bất cập khác là việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư vốn căn cứ vào tiêu chí mức vốn tương đương của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B theo quy định pháp luật về đầu tư công; tuy nhiên, các ngành, nghề, lĩnh vực quy định pháp luật về đầu tư công không bao quát hết các ngành, nghề, lĩnh vực của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư (ví dụ như đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, chứng khoán...).

Không can thiệp vào công tác điều hành của doanh nghiệp

Nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập nêu trên, hiện nay tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm thể hiện rõ tinh thần phân công rõ, phân cấp mạnh, không can thiệp vào công tác điều hành của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước được tăng phân cấp, phân quyền
Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 5 dự thảo luật quy định về nguyên tắc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước như sau: Phân công, phân cấp việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp; không làm hạn chế quyền của doanh nghiệp.

Tại chương IV dự thảo luật đã xác định rõ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đầu tư phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và theo quy định của pháp luật đầu tư công phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư và pháp luật đầu tư công, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật này.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp còn lại ngoài việc thực hiện theo pháp luật đầu tư và pháp luật đầu tư công giao cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn lại giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và tinh thần Hội nghị lần thứ 10 Trung ương khóa XIII, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát theo hướng chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền, còn lại việc phân cấp giao Chính phủ quy định.

Theo đó, tại các điều, khoản quy định tại dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và không quy định cụ thể lại luật; việc giao Chính phủ quy định cụ thể tạo ra một cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và mức độ sở hữu vốn nhà nước, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; là điểm cải cách và mang tính đột phá, gắn với việc tăng cường phân công phân cấp.

Bên cạnh đó, tại Điều 22 dự thảo luật đã quy định rõ, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước theo mức tương ứng với dự án quan trọng quốc gia theo quy định pháp luật. Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư sử dụng nguồn vốn Nhà nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 22 dự thảo Luật và quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Về công tác nhân sự (Điều 13), tại dự thảo luật hướng dẫn giao cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định cử người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế (Điều 15), thực hiện phân phối theo nguyên tắc trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.

Việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ; doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật chuyên ngành thực hiện trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định của luật chuyên ngành gồm: Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Dầu khí; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động