Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến xuân về sau khi cúng gia tiên, chúc Tết ông bà, cha mẹ thì vào mùng 3 Tết, người Việt thường dành thời gian tới thăm hỏi thầy cô để gửi tới họ những lời chúc sức khoẻ và lời tri ân sâu sắc.
Tết Nguyên đán là dịp nghĩ lễ lớn nhất trong năm của người dân Việt Nam. Đây là khoảng thời gian để tất cả mọi thành viên trong gia đình được ngồi lại và sum vầy bên mâm cơm gia đình. Cùng với đó, theo truyền thống Tết cũng là cơ hội để người Việt Nam trở về tri ân và thăm hỏi thầy cô - những người lái đò thầm lặng đã đưa biết bao thế hệ đến với bến bờ tri thức.
|
“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình ngày Tết của người Việt Nam được dân gian lưu lại. |
|
Chia sẻ với PV, anh Xuân Trường (sống tại Bắc Ninh, đứng hàng đầu) cho biết: "Mặc dù tôi và các bạn đã ra trường được vài năm, tất cả đều có công việc riêng, bôn ba tứ xứ, nhưng năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 Tết là nhóm lớp chúng tôi lại rộn ràng lên lịch đến chơi nhà cô giáo nhân dịp đầu xuân. Chúng tôi gửi đến cô những món quà và nhiều lời chúc vì công lao to lớn của cô đã dạy mình trong suốt quãng thời gian trưởng thành". |
|
Nhóm bạn Nguyễn Minh Hiếu (sống tại Thái Nguyên) đến chơi nhà thầy giáo chủ nhiệm vào ngày mùng 3 Tết. Hiếu bày tỏ: "Thầy giáo đã giúp chúng tôi trưởng thành, giúp tôi nhận ra mình học tốt và có năng lực trong mảng lĩnh vực, môn học nào nhất để từ đó tôi có cho mình định hướng, bước đi vững chắc. Vì vậy, dịp Tết tôi thường cùng các bạn tới nhà thầy giáo để cùng trò chuyện, thăm hỏi, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn khi thầy đã dành thời gian và công sức nuôi dưỡng chúng tôi thành người". |
|
8 năm từ ngày ra trường, chị Thanh Lan (sống tại Vĩnh Phúc) và các bạn năm nào cũng quay trở về thăm hỏi thầy cô trong dịp lễ Tết |
|
Chị Đỗ Vân Hương (váy trắng, sống tại Thái Nguyên) chia sẻ: "Trong cuộc sống của mình, tôi may mắn khi nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ của thầy cô - những người vừa có đức, vừa có tài, tôi luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng điều đó. Vì vậy, tranh thủ những ngày Lễ Tết tôi tới nhà thầy cô với mong muốn thầy cô luôn mạnh khoẻ, sống vui vẻ và hạnh phúc". |
|
Tại trường THPT Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội vào sáng ngày mùng 3 Tết, các bạn học sinh đã rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo của mình để bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và cùng nhau ôn lại kỷ niệm năm xưa. |
|
Gặp lại nhau sau quãng thời gian dài xa cách, thầy cô và các bạn học sinh chia sẻ với nhau những câu chuyện, tất cả đều cảm thấy rất vui vẻ trong bầu không khí ấm áp của ngày xuân. |
|
Hải Yến (quê Hà Nam, váy đen, đứng đầu bên phải) và các bạn cùng nâng ly chúc sức khoẻ thầy giáo chủ nhiệm của mình (đứng trong cùng, hàng bên trái) vào dịp xuân Giáp Thìn 2024. Hải Yến vui vẻ nói: "Năm nay đi họp lớp thấy các bạn đều chia sẻ dự định sắp tới sẽ mua nhà, mua xe... điều này khẳng định các bạn học sinh của lớp 12A1 năm xưa đã thực sự rất nỗ lực, cố gắng, tôi thấy khoé mắt thầy hơi hoen đỏ, có lẽ thầy vui vì chúng tôi đã trưởng thành". |
|
Mặc dù đã có con nhỏ, nhưng trong ngày mùng 3 Tết đầy ý nghĩa này, bạn Nguyễn Thu Lê (sống tại Thái Nguyên) cũng không ngần ngại mà bồng luôn con nhỏ tới chúc Tết thầy cô giáo của mình để bày tỏ lòng tri ân tới cô giáo chủ nhiệm năm xưa. |
|
Đã chèo lái cho nhiều thế hệ học trò cập bến bờ tri thức, cô Nguyễn Thị Hương (sống tại Thái Nguyên) nói: "Mỗi năm khi học sinh của mình trở về tôi đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nhìn lũ trẻ trưởng thành là điều mà tất cả thầy cô đều mong muốn. Cô trò ngồi cạnh nhau thường tíu tít kể về chuyện ngày xưa, lâu không gặp trước hết sẽ hỏi thăm công việc, sức khoẻ, chuyện gia đình..." |
|
Cô Thu Hà (giáo viên tại Thái Nguyên) bày tỏ niềm hạnh phúc với món quà tri ân vào ngày mùng 3 Tết của học sinh cũ. Cô nói, học sinh ở thời nào cũng vậy, dù nhiều khi nghịch ngợm, phá phách làm thầy cô buồn lòng nhưng từ sâu thẳm trong lòng, mỗi cô, cậu học trò vẫn luôn yêu quý, bày tỏ sự tri ân tới thầy cô. |
Quỳnh Giang
Link bài gốc
Copy link