Mê Linh tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
Gia Lâm xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị Huyện Nam Trực (Nam Định) đạt chuẩn nông thôn mới |
Nỗ lực về đích
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện, đại diện lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết: Sau 10 năm quyết liệt thực hiện, huyện Mê Linh đã đạt được một số kết quả nổi bật. Huyện đã đầu tư làm hơn 430km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng với tổng kinh phí hơn 1.158 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa toàn huyện đạt 95%.
Huyện đã xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hàng chục trường học với tổng kinh phí hơn 2.261 tỷ đồng, nâng số trường đạt chuẩn toàn huyện lên 50/73 trường. Các nhà văn hóa, công trình thủy lợi, điện... cũng được đầu tư, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Mê Linh đạt hơn 41,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,41%.
Về công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện đã có 14/16 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (trong đó xã Liên Mạc được thành phố đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của thành phố). Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Mê Linh đã dồn điền đổi thửa được 3.280ha, đạt 100% kế hoạch thành phố giao. Huyện Mê Linh được biết đến là vựa rau, hoa của thành phố Hà Nội với diện tích khoảng 500ha hoa và 2.000ha rau màu, cho thu nhập cao. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 41,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,41%.
Mô hình trồng hoa hồng thế tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) |
Để đạt được kết quả đó, 10 năm qua, huyện Mê Linh đã huy động nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình này, trong đó có một phần đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Huyện Mê Linh cũng đã có kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa phù hợp; công khai, minh bạch trong việc đầu tư; ưu tiên hỗ trợ các xã, thôn làm tốt để tạo tính cạnh tranh, thi đua trong xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch của UBND huyện, từ nay đến cuối năm, huyện tập trung đầu tư cho 2 xã còn lại để đến cuối năm nay 100% số xã của huyện về đích nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 đạt đủ tiêu chí huyện nông thôn mới.
Tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà huyện Mê Linh đã đạt được trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, mặc dù thời gian đầu triển khai Chương trình số 02-CTr/TU gặp nhiều khó khăn, song huyện Mê Linh đã nỗ lực vượt khó, đạt được những kết quả toàn diện.
Huyện đã huy động được nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như, hiến đất mở đường, đóng góp ngày công cùng hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức thực hiện.
Đến nay, hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc, đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa... được đầu tư khang trang. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã tăng 27,8 triệu đồng so với năm 2010, đạt 41,4 triệu đồng/người/năm; các chỉ tiêu văn hóa, xã hội đều đạt cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,41%. “Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, càng củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ ra những tồn tại trong thực hiện Chương trình số 02- CTr/TU trên địa bàn huyện Mê Linh như: Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã có nhưng chưa nhiều.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Mê Linh cần tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu nông thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trước mắt là đầu tư cho hạ tầng giao thông, chiếu sáng, thoát nước, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch đẹp.
Cùng với đó, Huyện cần quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... để những nông sản của huyện không chỉ phục vụ thị trường Thủ đô mà còn xuất khẩu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, huyện Mê Linh nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường; làm tốt công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân và bảo tồn, phát huy các công trình lịch sử, văn hóa gắn với du lịch. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng môi trường sạch đẹp và tăng cường đưa nước sạch về nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, trật tự xã hội khu vực nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục thu hút nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới và khai thác các nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, sản xuất để góp phần nâng cao đời sống người dân.
Nhân dịp này, huyện Mê Linh đã khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU; đồng thời, phát động phong trào thi đua hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện.