Ký ức hào hùng về ngày hội non sông
“Ba sẵn sàng” trong ký ức của các cựu thanh niên xung phong |
Sức mạnh thanh niên trong Cách mạng tháng Tám
Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, góp mặt đông đảo trong biển người tiến về trung tâm Hà Nội giành lấy chính quyền, có rất nhiều gương mặt thanh niên Thủ đô.
Cốt cán là những thành viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, lực lượng thanh niên đã góp phần không nhỏ trong chiến công chung của cả dân tộc. Điều đặc biệt, tổ chức Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chỉ mới được thành lập trước thời điểm lịch sử đó vỏn vẹn một năm, gồm đại đa số là những con người trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với vận mệnh của đất nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm Đại tướng Nguyễn Quyết |
Dù nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng trong ký ức của ông Lê Đức Vân (SN 1926), Trưởng ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu những năm tháng sục sôi đấu tranh chưa bao giờ phai mờ.
Ông Lê Đức Vân là cựu học sinh trường Bưởi. Khi đương thời học sinh, ông Vân được người bạn học Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương) giác ngộ cách mạng. Ông tham gia tổ chức “Tu thân” (sau này đổi tên thành Đội Ngô Quyền) của ông Vũ Oanh để rèn luyện sức khỏe, học tập và tìm hiểu về con đường của những vị lãnh đạo yêu nước… “Một bầu trời sáng mở ra trong trí tôi”, ông Vân cảm khái nói.
Không bao lâu sau đó, Vũ Oanh, Lê Đức Vân cùng gần 40 thành viên của đội được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và ít lâu sau đứng vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi trường Bưởi phải sơ tán đến khu an toàn, ông Vân cùng đồng đội bỏ học, ở lại Hà Nội chiến đấu.
Chiều 15/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà ông Lê Đức Vân - Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu |
Ông Lê Đức Vân nhớ lại: “Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và cũng là nhà riêng của gia đình tôi, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập.
Khi đó, tôi cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như: Các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp. Hình thức tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp Nhân dân về lý tưởng cách mạng soi đường”.
Đến nay, các nhà sử học đều chung nhận định rằng, sự ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và Hà Nội cần phải có một tổ chức độc lập, tinh nhuệ của thanh niên, học sinh yêu nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy Hà Nội, sự dẫn dắt của đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Nội, đồng chí Vũ Quý - Ủy viên Ban cán sự Đảng, đồng chí Vũ Oanh - Bí thư Thanh niên cứu quốc, Hà Nội nhanh chóng trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng, thực hiện mọi hình thức đấu tranh cách mạng táo bạo nhưng cũng rất khôn khéo, sáng tạo, hiệu quả cao.
Ngày hội lớn của non sông gấm vóc
Hôm 17/8 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đến thăm, tặng quà Đại tướng Nguyễn Quyết và bà Phan Thị Phúc, cán bộ lão thành cách mạng, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 -19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024).
Như đã nói ở trên, hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi mới thành lập nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sáng suốt từ Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy. Điều đặc biệt, tháng 8/1945, khi lãnh đạo Tổng khởi nghĩa với vị trí Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết khi đó mới tròn 23 tuổi.
Sinh ngày 20/8/1922 trong gia đình nông dân có 10 người con ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) chỉ được học đến hết bậc tiểu học. 15 tuổi, ông lên Hà Nội kiếm sống và bắt đầu hoạt động cách mạng. Năm 1944, ông là Thành ủy viên, tham gia Ban Cán sự xây dựng phong trào phản đế ở Hà Nội. Tháng 3/1945, ông được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng.
Đại tướng Nguyễn Quyết (ngồi hàng thứ hai, ngoài cùng bên trái) chụp cùng Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh chụp năm 1968) |
Về vai trò của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Quyết kể: “Chiều 16/8/1945, nghe báo cáo hôm sau có cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền thân Nhật ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi quyết định giao nhiệm vụ cho ông Phạm Thái Hy, Đội phó cùng Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng”.
Thực tế đã diễn ra đúng như trù định. Ông kể: “Chủ trương của ta là phải phá cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền thân Nhật ở Nhà hát Lớn Hà Nội, chiếm diễn đàn để thành cuộc mít tinh ủng hộ mặt trận Việt Minh. Vì thế, các đồng chí: Thái Hy, Từ Trang Anh (Mười Hương), Lê Phan, Nguyễn Khoa Diệu Hồng... được bố trí trà trộn vào đám đông, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”.
Khi cuộc mít tinh được khai mạc chưa lâu, ông Lê Phan đoạt được micro. Sau đó, ông Thái Hy (Đội phó Đội Thanh niên thành Hoàng Diệu) bảo vệ bà Từ Trang Anh (thành viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) diễn thuyết trong khoảng 15 phút với nội dung chính về 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh. Kế tiếp, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thành viên Đảng Dân chủ đã đọc bản hiệu triệu của Đảng Dân chủ kêu gọi đồng bào ủng hộ mặt trận Việt Minh tổng khởi nghĩa, giành độc lập.
Ngay tối 17/8/1945, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự ở Dịch Vọng, quyết định Hà Nội tổng khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945.
Cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công, ta chiếm Trại Bảo an binh, Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát... không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, “mở đường cho Cách mạng tháng Tám thành công trên cả nước”.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (tư liệu) |
Sau khi Hà Nội Tổng khởi nghĩa thành công, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Góp mặt trong ngày hội non sông 76 năm trước, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà (Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò 1930-1945) cảm khái: “Tôi phải nói rằng, cuộc mít tinh ngày 2/9/1945 là dịp nghìn năm có một đối với dân tộc ta. Chúng ta rũ bùn nhơ đứng dậy sáng lòa. Từ vị thế của người dân mất nước, sau Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta trở thành chủ nhân chân chính của đất nước”.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà (SN 1928) tham gia cách mạng từ trước năm 1945, nhận nhiệm vụ dạy Quốc ngữ cho Nhân dân. Sáng 2/9/1945, ông lãnh đạo thanh niên và người dân xuất phát từ Bạch Mai đến quảng trường Ba Đình. Dọc lộ trình, người dân hò reo cổ vũ kín hai bên đường và gia nhập đội ngũ. Khi tới nơi, đoàn của ông Hà dễ có đến cả ngàn người.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà |
Cứ như vậy, hàng ngàn người hòa vào biển người, khiến không khí ngày Quốc khánh càng thêm sôi sục, phấn khởi. Ông Hà đứng cách lễ đài chừng 20 - 30m. Lễ đài làm từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng và đỏ, do đó cho phép hầu hết khán thính giả có thể thấy được những vị lãnh tụ.
Ông lắng nghe như nuốt từng lời khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cao giọng nói: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Tới đây, toàn thể hơn một triệu người Việt Nam ứng tiếng như sấm động, cả dân tộc òa lên trong niềm sung sướng vô bờ.
Đại tướng Nguyễn Quyết cũng có mặt trong biển người khổng lồ dự lễ mít-tinh trong ngày mùa thu tháng Tám năm ấy. Ông xúc động nói: “Không bao giờ tôi có thể quên được niềm tự hào khi lần đầu tiên trong đời trở thành người dân của một đất nước độc lập. Cảm giác như có thể bay lên khi không còn xiềng xích nô lệ trói buộc. Tôi nhìn xung quanh, 1 triệu đồng bào đều chung niềm phấn khởi như vậy. Chưa bao giờ Hà Nội đẹp như thế!”.