Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh
Chủ tịch Quốc hội: Không né tránh vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2024 |
Ngày 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử
Tại hội nghị, kết luận về những kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thứ hai, nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8/2024.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2022, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa được triển khai tích cực. Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử; Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 04 thông tư.
Thứ tư, thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính. Từ năm 2021 đến nay, đã cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ 28% năm 2021 lên 51,5% vào tháng 8/2024. Đặc biệt, đã triển khai 43/53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm.
Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 43,4% (tăng 23% so với năm 2023), của địa phương đạt 64,3% (tăng 35% so năm 2023).
Thứ năm, hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư.
100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.
Thứ sáu, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước. Cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước gắn chíp; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID.
Thứ bảy, một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đổi mới, thực hiện các mô hình, giải pháp hữu hiệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như các bộ: Công an, Tài chính, Công thương; các địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Tây Ninh... Cần hoan nghênh, học tập các bộ, địa phương này, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ tám, tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại sẵn sàng thực hiện hải quan số. Việt Nam đang triển khai kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN với 8 nước thành viên ASEAN; tạo tiền đề để tiếp tục kết nối với Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand.
Cơ chế một cửa quốc gia đã cung cấp 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của trên 70.000 doanh nghiệp; hàng triệu bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thông quan.
Cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho
Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng chỉ rõ 1 mục tiêu, 2 trụ cột, 3 đột phá, 4 không và 5 tăng cường trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, 1 mục tiêu chung là cắt giảm chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Còn 2 trụ cột gồm: kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thực hiện thuận lợi dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 3 đột phá là pháp lý hóa; số hóa; tự động hóa.
Trong khi đó, 4 không là: không giấy tờ; không tiền mặt; không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Còn 5 tăng cường gồm: Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số; tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định và văn bản quy phạm pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn trên tinh thần cái gì thực tiễn đặt ra, đòi hỏi, yêu cầu, đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thiết kế thành quy định để tạo hành lang pháp lý trong triển khai, thực hiện nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch để cán bộ không mắc phải những sai phạm; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
Đồng thời đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ (cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nội bộ) và chuyển đổi mạnh mẽ sang xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục hành chính.
Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số.
Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, rà soát, đánh giá lại, đổi mới cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về mức độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người dùng.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử; thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hoàn thành cung cấp toàn bộ 53/53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Sớm có nghiên cứu đánh giá, mở rộng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích để hoàn thiện hệ sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyếtthủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan Nhà nước.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số quốc gia thông suốt, hiệu quả.
Thứ sáu, tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ bảy, đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.