Lướt nhẹ sông sen, khám phá vườn vải thiều chín đỏ ở Thanh Hà, Hải Dương

Những vườn vải trĩu cành, đỏ rực nằm dọc theo dòng sông sen thơm ngát uốn lượn quanh co tạo nên một trải nghiệm miệt vườn thư thái giữa những ngày nắng tháng 6 ở Thanh Hà, Hải Dương.
4 ngày liên tiếp tỉnh Hải Dương không có ca nhiễm mới Covid-19 Hải Dương đề xuất dừng tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà năm 2021 Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiểm tra công tác tiêm vaccine Covid-19

Huyện Thanh Hà có vị trí địa lý thuận lợi, nằm tiếp giáp với thành phố Hải Dương, thành phố Hải Phòng và có hệ thống giao thông thuận tiện… Hiện trên địa bàn huyện có 322 di tích, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể, 1 bảo vật quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Thanh Hà có hệ thống sông ngòi dày đặc; các miệt vườn cây ăn quả được trải rộng hầu hết trên địa bàn; cùng với các làng nghề, sản phẩm nông sản và nhiều lễ hội đặc sắc trong năm… Đây chính là những lợi thế để Thanh Hà có thể phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tâm linh gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống.

Về huyện Thanh Hà, du khách không chỉ được thưởng thức những chùm vải thiều thơm ngon bậc nhất, mà còn được tận hưởng không gian trong lành nơi đây. Những vườn vải sum suê trái ngọt giúp du khách như vơi đi những căng thẳng trong công việc hằng ngày, thấy thoải mái, gần gũi với thiên nhiên hơn.

Hải Dương: Hấp dẫn du lịch trải nghiệm vườn vải thiều Thanh Hà
Theo quyết định số 3687/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ký ngày 12/12/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương - Thanh Hà, các sản phẩm du lịch chính của huyện Thanh Hà bao gồm: Du lịch sinh thái dọc tuyến sông Hương bằng phương tiện thuyền chèo tham quan các vườn cây trái đặc sản, mua sắm, các hoạt động giải trí; trải nghiệm, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; tham quan các di tích văn hóa lịch sử bằng đường bộ kết nối với các bến thuyền; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình làng quê Việt…

Thanh Hà chính là nơi có cây vải thiều tổ. Quả vải thiều Thanh Hà nổi tiếng thơm ngon nên ai cũng muốn một lần về thăm, thưởng thức. Những vườn vải nằm dọc các dòng sông có thể tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn như trải nghiệm ngồi thuyền trên sông mùa vải chín, thu hoạch vải... ở khu Hà Đông, Hà Nam, tiểu khu du lịch thôn Đồng Mẩn, xã Thanh Khê. Ngoài hái vải, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác như thong dong ngắm cảnh đẹp của thiên nhiên, câu cá giải trí bên bờ sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Gùa...

Tuyến sông Hương của huyện Thanh Hà có tổng chiều dài 21,5km, đi qua địa phận 10 xã, thị trấn trên địa bàn và được đánh giá là trong sạch nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm, mỗi khi nước về lại bồi đắp cho vùng ven sông Hương một lượng phù sa màu mỡ. Ngoài ra, hệ thống sông, kênh, mương cũng tạo nên những thứ đặc sản sông nước như rươi, cáy, thủy sản sông Hương…

Bên cạnh đó, huyện Thanh Hà có gần 7.000 ha cây ăn quả, gồm hơn 3.300 ha vải chủ yếu ở khu Hà Đông, Hà Nam; 1.800 ha ổi ở khu Hà Tây, Hà Bắc; 500 ha chuối rải rác ở các xã An Phượng, Thanh Khê, Thanh Hải, Vĩnh Lập...; 220 ha bưởi tập trung ở xã Thanh Hồng. Mùa nào hoa trái ấy, những sản phẩm nông nghiệp đa dạng tạo cơ hội cho huyện Thanh Hà hình thành, phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Năm 2020, huyện đã thu hút gần 20.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các vùng cây ăn quả, chủ yếu thăm vùng vải.

Hải Dương: Hấp dẫn du lịch trải nghiệm vườn vải thiều Thanh Hà

Với ưu điểm đó, huyện Thanh Hà đã xây dựng Đề án "Phát triển các điểm du lịch gắn với sinh thái sông Hương" giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong những đề án thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV. Thanh Hà đã quan tâm xây dựng các vùng cây ăn quả, quy hoạch vùng sản xuất ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng vải xuất khẩu ở xã Thanh Sơn, vùng vải chính vụ, vùng ổi, chuối, mít... để góp phần phát triển du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn.

Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết ngoài chú trọng tuyên truyền về tiềm năng du lịch sinh thái của địa phương, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch; thực hiện tốt việc giám sát đề án, dự án phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm tại vùng cây ăn quả đã được quy hoạch. Huyện sẽ mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích phát triển hình thức du lịch cộng đồng, hình thành mô hình từng gia đình, từng người dân trực tiếp làm du lịch. Song song với đó, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương; liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, giới thiệu nông sản tiêu biểu của huyện.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của đề án từ năm 2021 - 2023, huyện sẽ tập trung đầu tư, khai thác khu miệt vườn Đồng Mẩn - Đồng Quao ở xã Thanh khê; khu vực có cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn và khu sản xuất ổi VietGAP ở xã Liên Mạc.

Hoàng Duy
Phiên bản di động