Cơ hội để Thủ đô “cất cánh”

Với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, đây là sẽ là cơ sở, điều kiện để tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển.
Quốc hội “chốt” cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sáng 28/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định.

Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Về quy hoạch xây dựng, phát triển thủ đô, theo Luật Thủ đô (sửa đổi)vừa được Quốc hội thông qua, việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Cơ hội để Thủ đô “cất cánh”
Cầu Nhật Tân, Hà Nội.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Theo luật, UBND TP Hà Nội được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan. HĐND TP quy định chi tiết trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông, bãi nổi.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có kế thừa tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây và cập nhật, bổ sung, tăng phân cấp phân quyền cho lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

Theo ông Ngân, Hà Nội là Thủ đô của đất nước có lịch sử nghìn năm văn hiến, là nơi giữ hồn thiêng núi sông của dân tộc Việt Nam. Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, vừa mở rộng không gian phát triển.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo điều kiện cho Thủ đô đẩy mạnh phân cấp phân quyền để Thủ đô phát triển không gian ra vùng Thủ đô, từ khu vực trung tâm có điều kiện phát triển thêm 4-5 khu vực đô thị vệ tinh. Cùng với phát triển, Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp cảnh quan, thu hút du khách quốc tế.

Ông Ngân cho rằng, quan trọng hơn là Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đô thị, để đảm bảo được an ninh, an toàn của quốc gia, vì Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, thường xuyên đón tiếp chính khách, du khách quốc tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động