Luật Thủ đô coi phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cho phép các trường công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của nước ngoài theo điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục do Chính phủ quy định.
Phát huy vai trò của hợp xướng trong giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 Điểm sáng dẫn đầu phong trào thi đua ngành giáo dục thành phố

Quy định này vượt trội hơn so với quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (chỉ quy định cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài). Nội dung này được đúc kết dựa trên kinh nghiệm thí điểm thành công một số trường công lập liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài.

Bước tiến lớn về chính sách phát triển

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô so với các quy định tại Luật Thủ đô hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật quy định nhiều nội dung nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, trước đó, PGS.TS Chu Hồng Thanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, liên quan đến lĩnh vực giáo dục trong Luật Thủ đô sửa đổi, cần bám sát các yêu cầu, quan điểm trong nghị quyết của Đảng về giáo dục và trong các Quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển giáo dục Thủ đô.

Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, thực tiễn các nước tiên tiến, sự phát triển của các Thủ đô trên thế giới và kinh nghiệm lịch sử của đất nước ta trong 78 năm qua cho thấy tầm quan trọng và vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của phát giáo dục. Giáo dục là cốt lõi của văn hóa, văn hóa và giáo dục còn thì dân tộc còn. Quan tâm đến giáo dục là quan tâm đến con người, con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của sự phát triển.

“Để phát triển Thủ đô không thể không quan tâm ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục, trong mọi hoàn cảnh và mọi lĩnh vực. Thủ đô phải là tấm gương, hình mẫu, đi đầu trong lĩnh vực phát triển giáo dục”, ông nhấn mạnh.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng nhận định, so với Luật Thủ đô hiện hành, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ông Vương Quốc Thắng cho rằng, cần xác định đây là một trong những chính sách hàng đầu, vì giáo dục có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

“Tôi cho rằng, có một số nội dung cần phải chú trọng như là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh, cho phép liên kết giáo dục trực tiếp với các cơ sở giáo dục nước ngoài, ưu đãi về tài chính, chính sách giáo dục cần phải có những hướng đột phá”, ông Vương Quốc Thắng nói.

Gợi ý thêm một số quy định về lĩnh vực giáo dục đào tạo trong dự thảo Luật, ông Vương Quốc Thắng cho rằng, cần có chính sách thu hút những giảng viên, giáo viên giỏi ở các tỉnh đã nghỉ hưu tiếp tục được ký hợp đồng, làm việc ở một số trường công ở Hà Nội để nâng cao chất lượng và nâng cao số lượng giáo viên giỏi hàng đầu phục vụ cho phát triển giáo dục chung của Hà Nội.

Cần có những mục tiêu rõ ràng

Ngoài ra, quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép Hà Nội được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của Thủ đô.

Điều này góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có của Thủ đô; góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới; giữ vị trí đứng đầu cả nước về khoa học, giáo dục, về tỷ lệ đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế; tăng tính chủ động, tư duy sáng tạo của học sinh.

Luật Thủ đô coi phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, thời gian qua, giáo dục Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này có thể được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Ngành Giáo dục Hà Nội cũng là đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục…

Tuy nhiên, giáo dục Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc và lúng túng. Hà Nội như là một Việt Nam thu nhỏ, có thành phố, có nông thôn và có cả miền núi. Mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa thật chuẩn xác nên ngành Giáo dục hằng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Như năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của toàn thành phố là 2.875 trường với gần 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông, tăng 35 trường so với cùng kỳ năm học trước. Mỗi năm, Hà Nội xây dựng thêm từ 35-40 trường học. Tuy nhiên, số lượng học sinh cũng tăng nhanh, ước từ 40.000 - 60.000 học sinh/năm học... Việc đáp ứng nhu cầu học tập ở một số quận, địa bàn đông dân cư vẫn là một thách thức lớn.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, để xứng đáng là “trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao…”, Hà Nội cần có các mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh góp ý, ngoài việc được phép xây dựng hệ thống trường liên cấp, Hà Nội có thể xây dựng các trường nghề phù hợp với các khu vực phát triển khác nhau gắn bó chặt chẽ với giáo dục phổ thông, các trường trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp lịch học phù hợp.

Cùng đó, Hà Nội cần được phép tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản; được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế…

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động