Làn sóng bênh vực idol một cách mù quáng trên mạng xã hội
Vì sao ai cũng là nạn nhân trên mạng xã hội? Hậu quả khi bôi nhọ người khác trên mạng xã hội Cẩn trọng khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội |
Bênh vực quá mức
"Làm bao nhiêu việc tốt không ai nhắc, chỉ làm một việc sai đã bị dìm", "Tôi tin Quang Linh Vlogs là người tốt, chỉ bị những người kia dụ dỗ nên lầm lỡ, sai đường", "Những người yêu quý vẫn ở đây để ủng hộ anh"... Đó là một vài trong rất nhiều bình luận ủng hộ từ những người tự xưng là fan của Quang Linh Vlog.
Bên cạnh số đông ý kiến cho rằng nên xử lý nghiêm những KOL, KOC liên quan vụ kẹo rau củ Kera, vẫn có những người một mực tin tưởng vào thần tượng là Quang Linh Vlogs. Họ vẫn đứng về phía nam YouTuber sau khi anh bị tạm giam và khởi tố về tội sản xuất hàng giả, thậm chí coi hành vi này chỉ là “lỗi lầm nhỏ”.
![]() |
Chuyên gia truyền thống Đặng Quang Huy |
Theo chuyên gia truyền thông Đặng Quang Huy (Tunie Group), việc cộng đồng mạng vẫn bênh vực, tiếc nuối cho Quang Linh Vlogs đơn giản là đang nhắc lại những hình ảnh tích cực mà họ từng trân trọng.
"Dùng những hình ảnh tốt đẹp trong quá khứ để phủ định các sai lầm mà cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra là một thái độ không đúng đắn. Một người từng làm điều tử tế không thể là lý do để miễn trừ cho mọi sai phạm. Lý tưởng hóa thần tượng xảy ra khi fan gán cho họ những phẩm chất hoàn hảo, đôi khi vượt xa thực tế.
Với Quang Linh Vlog, những hoạt động thiện nguyện của anh có thể được xem như biểu tượng của lòng tốt, khiến fan bỏ qua hoặc không muốn tin vào những khuyết điểm hay sai phạm của anh. Việc fan bênh vực Quang Linh Vlog một cách mù quáng xuất phát từ sự yêu quý, song có thể gây ra hệ lụy, làm suy giảm niềm tin vào hệ thống pháp luật và khuyến khích thái độ thờ ơ với quy tắc xã hội", chuyên gia Đặng Quang Huy phân tích.
Cũng theo chuyên gia Đặng Quang Huy, cộng đồng mạng không hẳn hoàn toàn thiếu "la bàn đạo đức", mà họ thường bị xáo trộn bởi cảm xúc, thông tin không đầy đủ, và ảnh hưởng của người nổi tiếng. Phản ứng của họ phụ thuộc vào cảm xúc, sự trung thành với thần tượng, và bối cảnh cá nhân.
Ví dụ, trong trường hợp Quang Linh Vlog, một số người xem hành vi vi phạm của anh là không thể tha thứ, trong khi fan lại cho rằng những đóng góp thiện nguyện trước đây "đủ để bù đắp". Sự thiếu nhất quán này cho thấy cộng đồng mạng không áp dụng một tiêu chuẩn chung, mà thường bị chi phối bởi thiên kiến cá nhân hoặc đám đông.
![]() |
Sau vụ việc Quang Linh Vlog bị khởi tố, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người vẫn lên tiếng bênh vực nam KOL này |
Chuyên gia Đặng Quang Huy cũng cho rằng mạng xã hội hoạt động như một "lò khuếch đại cảm xúc", nơi các phản ứng tức thời (phẫn nộ, bênh vực, thương cảm) dễ dàng lan truyền mà không qua suy xét kỹ lưỡng.
Sự thiếu nhất quán và thiên vị cho thấy cộng đồng mạng cần một nền tảng vững chắc hơn - có thể là sự minh bạch thông tin, giáo dục tư duy phản biện, hoặc cơ chế điều tiết dư luận - để định hướng đạo đức một cách công bằng và lý trí.
Văn hóa "tẩy chay" văn minh
Sau khi Quang Linh Vlogs cùng Hằng Du Mục, hai đại diện của CER Group, bị bắt trong vụ kẹo rau củ Kera, nhiều dân mạng đặt câu hỏi có nên xây dựng "văn hóa tẩy chay" mạnh mẽ hơn để trừng phạt cái sai. Các chuyên gia cho rằng việc tẩy chay cũng là "con dao hai lưỡi", cần cẩn trọng.
Theo luật sư, chuyên gia truyền thông Bùi Vũ Nghĩa (Đoàn luật sư Vũ Gia), việc xây dựng một văn hóa tẩy chay mạnh mẽ hơn để không dung túng cho sai phạm của người nổi tiếng là một ý tưởng đáng cân nhắc, nhưng nó đi kèm cả lợi ích lẫn rủi ro. Lợi ích có thể bao gồm tăng tính răn đe, củng cố công lý và trách nhiệm, bảo vệ giá trị xã hội.
"Tẩy chay giúp nhấn mạnh rằng danh tiếng hay đóng góp quá khứ không phải là 'tấm vé miễn trừ' cho hành vi sai trái. Nó thúc đẩy ý thức trách nhiệm cá nhân, đặc biệt trong kỷ nguyên mạng xã hội, nơi người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến công chúng. Văn hóa tẩy chay mạnh mẽ có thể bảo vệ các giá trị, tránh việc công chúng trở nên thờ ơ với cái sai", chuyên gia nói.
![]() |
Luật sư, chuyên gia truyền thông Bùi Vũ Nghĩa |
Tuy nhiên, chuyên gia cũng đề cập đến các rủi ro khi xảy ra làn sóng tẩy chay triệt để như nguy cơ phán xét vội vàng, phản ứng thái quá và thiếu công bằng. Ngoài ra, nó có thể gây phân cực cộng đồng, làm sâu sắc sự chia rẽ giữa những người phản đối và ủng hộ thần tượng.
"Nếu tẩy chay quá quyết liệt, người vi phạm, dù là người nổi tiếng, có thể không còn cơ hội để nhận lỗi, sửa đổi và đóng góp tích cực trở lại. Một xã hội không khoan dung đôi khi đánh mất giá trị của sự tha thứ", chuyên gia Bùi Vũ Nghĩa nói thêm.
Cũng theo chuyên gia cảnh báo, hiện nay, nhiều phong trào tẩy chay trên mạng xã hội đang bị dẫn dắt bởi cảm xúc hơn là lý trí. Chỉ cần một người có sức ảnh hưởng lên tiếng, hàng loạt người khác lập tức đồng thanh hưởng ứng, bất kể đúng sai. Tuy nhiên, khi sự thật được sáng tỏ, thiệt hại đã xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm cho những hậu quả đó. Đây là hệ lụy đáng lo ngại của một cộng đồng thiếu tỉnh táo trước áp lực đám đông.
Theo chuyên gia Bùi Vũ Nghĩa, thay vì chỉ tập trung xây dựng văn hóa tẩy chay mạnh mẽ, chúng ta có thể cân nhắc các cách tiếp cận cân bằng hơn như: Tẩy chay có chọn lọc, Khuyến khích trách nhiệm cộng đồng, Giáo dục tư duy phản biện...