Hậu quả khi bôi nhọ người khác trên mạng xã hội

Các văn bản pháp luật như nghị định của Chính phủ, Bộ Luật Hình sự, Luật An ninh mạng đều quy định rất rõ ràng các chế tài xử lý hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Thậm chí, việc đưa ảnh hoặc chuyện đời tư của người khác lên các nền tảng mạng xã hội mà không có sự cho phép cũng có thể bị xử phạt rất nặng. Mặc dù các chế tài đã được đưa ra, nhưng hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự người khác vẫn thường xuyên xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Vĩnh Phúc: Tuyên phạt 24 tháng tù cho đối tượng xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ tổ chức cá nhân Bắc Giang: Xử lý đối tượng vào Fanpage của Công an để bình luận bôi nhọ Công an

Tai bay vạ gió

Chị Lê Thị Thủy, sinh năm 1988, đến từ Đội 5, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã viết một lá thư xin lỗi chân thành gửi đến chị Nguyễn Thị Liên sau sự việc xảy ra vào ngày 13/9/2024.

Chị Thủy thừa nhận rằng do thiếu suy xét và kiểm chứng thông tin, chị đã đăng tải một bài viết sai sự thật về chị Liên trên mạng xã hội Facebook. Những thông tin này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của chị Liên, đồng thời gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Chị Thủy nhận thức rõ rằng hành động của mình đã gây tổn thương cho chị Liên, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống cá nhân của chị. Chị Thủy vô cùng hối hận và thành thật xin lỗi chị Liên về những gì đã xảy ra. Chị cũng coi đây là một bài học lớn cho bản thân và là lời nhắc nhở đến tất cả mọi người rằng mỗi chúng ta cần cẩn trọng trong việc phát ngôn, chia sẻ thông tin, đặc biệt là trên không gian mạng. Một lời nói thiếu kiểm chứng có thể gây ra những tổn thương và hệ lụy không đáng có.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vào tháng 9/2024, cơn bão Yagi đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố, khiến cuộc sống của người dân tại Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội và nhiều nơi khác bị đảo lộn. Ngày 13/9, chị Thủy cùng đoàn thiện nguyện của Hội phụ nữ huyện Thường Tín đã giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Khi trở về nhà, chị Thủy thấy một video trên mạng xã hội của người có tài khoản Facebook tên Thu Lê, đang khóc xin lỗi người dân vì không cung cấp đủ suất ăn như đã hứa. Nguyên nhân là do lái xe và một phụ nữ trong đoàn đã chuyển phần lớn các suất ăn đến phát tại một xã khác mà không thông báo.

Chị Thủy không quen biết chủ hai tài khoản Facebook Thu Lê và Khánh Liên, cũng không hiểu rõ câu chuyện thiện nguyện, đã đăng tải lên mạng xã hội những lời lẽ thiếu tôn trọng, cho rằng chủ Facebook Khánh Liên (thành viên cùng đoàn thiện nguyện với Thu Lê) đã phông bạt và cướp công của người khác. Sau khi làm việc với cơ quan Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, chị Thủy mới biết rằng chủ Facebook Khánh Liên sống tại huyện Đông Anh và những thông tin chị đăng tải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và cuộc sống của chị Liên.

Cái giá phải trả cho hành vi “bóc phốt”

Mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng xúc phạm, nói xấu, đe dọa và sử dụng hình ảnh chưa được phép trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người vẫn coi nhẹ vấn đề này. Đến khi bị cơ quan chức năng xử lý, họ mới nhận ra mọi chuyện không hề đơn giản.

Ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã nhận được công văn của một trường đại học yêu cầu xử lý đối với bà Đào Thị Bích T (sinh năm 1958, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa) vì đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook nói xấu người đứng đầu nhà trường và nhà trường.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Đào Thị Bích T về hành vi “xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác” theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Với lỗi vi phạm này, bà Đào Thị Bích T bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Văn Mạnh nhận định rằng nhiều người không nhận thức được rằng việc xúc phạm người khác là vi phạm pháp luật và đạo đức, nên họ dễ dàng phát ngôn một cách thái quá.

Thực tế cho thấy, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết “bóc phốt” cá nhân, tổ chức, nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao và thu hút nhiều bình luận. Thậm chí, có những trang/nhóm mạng xã hội được lập ra chỉ để tập trung các bài đăng “bóc phốt” nhằm tăng lượt tương tác từ sự tò mò, hiếu kỳ của người dùng.

Các sự việc liên quan đến tình cảm, yêu đương, ngoại tình, sản phẩm hàng hóa, giao thông… thường là chủ đề của các bài viết “bóc phốt”. Khi chúng ta công bố các dẫn chứng, hình ảnh không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật, chính chúng ta đang tạo bằng chứng tố cáo bản thân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, phân tích rằng Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Luật sư Huỳnh Nam đánh giá rằng Nghị định 15/2020/NĐ-CP rất coi trọng việc bảo vệ danh mục bí mật Nhà nước, đời tư cá nhân, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Nếu việc nói xấu, xúc phạm người khác nghiêm trọng hơn, cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Nam cũng nhấn mạnh rằng việc cá nhân, tổ chức vi phạm chủ động xin lỗi trực tiếp, xin lỗi trên mạng xã hội thuộc các nền tảng như Zalo, Facebook, TikTok… và gỡ bỏ các nội dung đăng tải đối với người bị hại cũng là một trong các tình tiết để cơ quan chức năng đánh giá sự cầu thị, thành khẩn trước những gì mình gây ra cho người khác.

Việc “bóc phốt” trên mạng xã hội không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt đạo đức và xã hội.

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, và cẩn trọng trong mọi phát ngôn để tránh gây tổn thương cho người khác và chính mình.

Hoa Thành
Phiên bản di động