Làm rõ dấu hiệu vi phạm khi mua máy xét nghiệm Covid-19

Nhà chức trách Bộ Công an đã làm việc với một số cán bộ ngành y tế để làm rõ việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.
Tỉnh Quảng Bình đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 Máy xét nghiệm virus SARS -CoV-2 BộY tế cấp cho tỉnh Quảng Bình nằm “đắp chiếu” Hải Phòng chính thức vận hành máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố sáng 17/4, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP, cho biết, lực lượng chức năng Bộ Công an đã làm việc với một số cán bộ của CDC Hà Nội về hoạt động mua sắm máy xét nghiệm. Việc mua sắm trên cũng liên quan một số tỉnh, thành khác.

Theo ông Chung, Sở Y tế được giao toàn quyền chỉ đạo mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; Ban chỉ đạo thường xuyên đôn đốc để đảm bảo chất lượng, số lượng. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng giao các ngành Công an, Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra và "không loại trừ có sai sót của đơn vị mua sắm thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội".

"Quan điểm của Thường trực Thành uỷ và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm, không nương nhẹ. Trong dịch bệnh lại có hành vi như vậy sẽ là tình tiết tăng nặng", ông Chung nói.

lam ro dau hieu vi pham khi mua may xet nghiem covid 19
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị từ xã, phường đến quận, huyện rà soát lại tất cả trang thiết bị đã mua thời gian qua, "dùng hết bao nhiêu, còn bao nhiêu, đến chiều 19/4 phải báo cáo về Ban chỉ đạo". Sở Y tế rà soát lại toàn bộ quá trình mua sắm trang thiết bị trong giai đoạn một phòng, chống dịch của CDC Hà Nội và các bệnh viện.

"Các bệnh viện và trung tâm y tế không được dùng trang thiết bị phòng, chống dịch để phục vụ khám chữa bệnh thông thường", ông Chung nói, cho biết thêm Thường trực Thành uỷ giao Sở Y tế mua sắm tập trung, không được phân cấp ngân sách về cho phòng y tế quận, huyện cũng như các bệnh viện.

Trước đó, tại cuộc họp ban chỉ đạo chiều 15/4, ông Chung cũng yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện được phân bổ ngân sách chống dịch phải rà soát lại việc mua sắm; đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát hay xảy ra tiêu cực.

"Trong lĩnh vực này mà có biểu hiện móc ngoặc, nâng khống giá để tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với người dân thành phố, cả nước mà cả cộng đồng quốc tế", ông Chung nói.

Theo Ban chỉ đạo, đến nay Hà Nội đã phê duyệt trên 1.200 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: VnExpress
vnexpress.net
Phiên bản di động