Lái xe bỏ rơi sản phụ giữa đường: Cần nghiêm trị hành vi vô cảm ảnh hưởng tới sinh mạng
Lợi dụng chính sách để buôn bán ma túy sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật Cần nghiêm trị hành vi dâm ô, sàm sỡ trẻ em |
Vụ tài xế xe dịch vụ bỏ rơi sản phụ giữa đường xảy ra tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước gây bức xúc trong cộng đồng, mạng xã hội. Hậu quả khiến bé sơ sinh tử vong, sản phụ trong tình trạng nguy kịch.
Dù hiện lái xe đã gặp gia đình nạn nhân xin lỗi và hỗ trợ 50 triệu đồng, tuy nhiên trao đổi với Tuổi trẻ và Pháp luật, Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Văn phòng Luật Phúc Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng cần kiên quyết nghiêm trị hành vi nhẫn tâm, ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Cần nghiêm trị hành vi gián tiếp cướp đi sinh mạng con người |
Cụ thể, cơ quan chức năng cần tiến hành trưng cầu giám định pháp y. Nếu nguyên nhân bé sơ sinh bị mất do không phải bệnh lý, mà do không được chở kịp thời đến bệnh viện. Các cơ quan chức năng cần làm rõ lỗi do ai? Sự việc này sẽ được xem xét một cách khách quan qua thực nghiệm quãng đường và thời gian. Khi đó, lỗi được xác định do lái xe hay không? Theo luật sư, lái xe có đầy đủ khả năng và điều kiện mà vẫn đưa sản phụ xuống xe để bỏ đi, trong lúc họ đang nguy khốn. Đây là căn cứ chính để xác định trách nhiệm hình sự.
Nếu kết luận điều tra vụ việc bé sơ sinh mất do lỗi của lái xe, không chở sản phụ đến bệnh viện kịp, với khoảng thời gian và quãng đường phù hợp để làm việc này. Lái xe sẽ đối mặt với tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015, quy định tại “Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Đồng thời, khi xem xét trách nhiệm không cứu giúp sản phụ khi gặp nguy hiểm. Nếu kết luận điều tra làm rõ tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà lái xe bỏ đi, không cứu giúp. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015, “Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. .....”.
Trên đây là trách nhiệm trước pháp luật của lái xe, nếu có lỗi trong kết luận điều tra vụ việc của các cơ quan chức năng. Cũng là hệ quả người lái xe đáng phải gánh chịu vì hành động, theo luật sư là mất hết nhân tính. Đứng trước tình cảnh sản phụ như vậy mà lái xe bỏ đi, không cứu giúp liệu có phải thói vô cảm, ích kỷ của anh ta đã lấn át tình người, tình đồng loại?