Nhóm đối tượng cướp 35 tỷ đồng của doanh nhân tiền ảo phải đối diện với tội danh nào?

Những ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt nhóm đối tượng sử dụng súng, kim tiêm, thuê giang hồ, thám tử… tổ chức bắt cóc, tra tấn, cướp 35 tỷ đồng của một doanh nhân tiền ảo. Hành vi của các đối tượng sẽ phải đối mặt với những tội danh nào của Bộ luật Hình sự?
Quảng Nam: Tóm gọn 3 đối tượng dùng dao cướp tài sản Cảnh sát Hình sự Hà Nội bắt cướp (2): Tội phạm "sang chảnh" luôn đi xe SH gây án Cháu nội rủ bạn dùng chăn trùm đầu ông để cướp tiền

Dàn dựng tai nạn để bắt cóc, cướp tiền

Liên quan đến vụ cướp 35 tỷ đồng trong ví điện tử của một doanh nhân xảy ra trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào ngày 18/5, trong buổi họp báo chiều 25/6 vừa qua, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - C02 (Bộ Công an) cho biết đã khởi tố 8 bị can về tội cướp tài sản.

“Qua nghiên cứu các văn bản, tiền điện tử chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, do đó đối với việc kinh doanh loại tiền này, lực lượng chức năng sẽ căn cứ các quy định pháp luật để có đánh giá, xử lý”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà nói.

Về việc nạn nhân trong vụ doanh nhân tiền ảo bị cướp 35 tỷ đồng có vi phạm hay không, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, hiện Cục CSHS đang tập trung điều tra về hành vi cướp tài sản, đối với các hành vi còn lại đang tiếp tục điều tra và sẽ xử lý sau.

nhom doi tuong cuop 35 ty dong cua doanh nhan tien ao phai doi dien voi toi danh nao
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - C02 (Bộ Công an) thông tin việc khởi tố 8 bị can liên quan tới vụ cướp 35 tỷ đồng của doanh nhân tiền ảo tại buổi họp báo

Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) đã bắt giữ 7 người trong băng giang hồ thuộc nhiều tỉnh thành để điều tra hành vi "cướp tài sản" liên quan vụ bắt cóc 1 gia đình doanh nhân, cướp 35 tỷ đồng từ ví điện tử với thủ đoạn đầy tinh vi, táo tợn.

Nhóm đối tượng gồm Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng ngụ TP Đà Nẵng), Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, Đắk Lắk), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, Quảng Nam), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi), Bùi Quang Chung (24 tuổi), Trương Chí Hải (31 tuổi, cùng ngụ TP HCM). Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ 1 khẩu súng ngắn và nhiều tài liệu liên quan.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, do trước đây từng tham gia hoạt động kinh doanh tiền điện tử nhưng thua lỗ triền miên và cay cú vì những khối tài sản lớn của mình không cánh mà bay, các đối tượng lao vào cuộc truy tìm nguyên nhân, song tìm mãi cũng không phát hiện ra được gì.

Thời điểm này, một doanh nhân khác tên K ở TP Hồ Chí Minh cũng kinh doanh tiền điện tử thì liên tục gặt hái thành công nên các đối tượng cho rằng chính ông K là tác nhân làm cho chúng thất bại và cả bọn thống nhất tìm cách bắt cóc ông K để đòi lại tiền.

Giữa tháng 5/2020, biết ông K cùng vợ và con nhỏ đi du lịch ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cả bọn đã nhóm họp, phân công cụ thể cho từng đối tượng để thực hiện việc bắt cóc ông K. Bàn bạc xong, các đối tượng mang theo súng ngắn, kim tiêm, thuê thêm giang hồ và sử dụng 3 xe ô tô chạy thẳng lên một khách sạn ở TP Đà Lạt nơi gia đình ông K đang thuê phòng để tìm cơ hội ra tay nhưng do nhận thấy ở đây có đông người khiến cho khả năng bị lộ khá cao nên cả bọn quyết định tiếp tục theo dõi.

Sáng 18/5, khi thấy xe của ông K rời khỏi khách sạn, cả bọn bí mật bám theo và đến đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây đoạn gần trạm thu phí thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, thấy vắng xe cộ qua lại, cả bọn quyết định ra tay.

Để buộc xe của ông K phải dừng lại, bọn chúng cho xe của mình húc vào phía sau xe của ông K tạo ra một vụ tai nạn. Khi xe của ông K vừa dừng lại, cả bọn lao đến chặn đầu, khóa đuôi chia tách ông K và vợ con lên hai xe khác nhau, bịt mắt rồi tra tấn buộc ông phải cung cấp mã số ví tiền điện tử.

Khi ông K kháng cự, chúng dùng súng dí vào đầu, sau đó dùng kim tiêm có dính máu mà chúng nói là loại máu nhiễm HIV dọa sẽ tiêm vào vợ và con ông K. Sau hơn 2 giờ bị tra tấn, ông K đã chấp nhận cung cấp mật mã ví tiền. Ép được ông K cung cấp mật mã, chúng bẻ camera hành trình trên xe và cướp điện thoại di động của vợ chồng ông K đem phi tang hòng tránh bị lộ. Sau đó, nhóm này đã chuyển 35 tỷ đồng từ ví điện tử của ông K sang nơi khác. Chúng còn táo tợn tiếp tục yêu cầu ông K gọi cho người nhà nhờ chuyển thêm 9,5 triệu USD vào ví để chiếm đoạt.

Theo số liệu ban đầu, các đối tượng Tài, Hoàng, Đức, Tuấn Anh, Chung, Phốt, Hải đã cướp của ông K số tiền trên 35 tỷ đồng. Số tiền này chúng trả công cho giang hồ và thám tử trên 1 tỷ đồng, số còn lại chia nhau tiêu xài.

Các đối tượng sẽ phải đối mặt với tội danh gì?

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mặc dù tại Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán nhưng việc giao dịch vẫn diễn ra phổ biến với tính chất phức tạp. Cá nhân sở hữu tiền điện tử được vẫn coi là tài sản thuộc quyền quản lý của mình.

Thực tế trong vụ án này, các đối tượng sau khi chuyển dịch tiền ảo từ ví điện tử của ông K đã rút được 35 tỷ đồng để chia nhau và tiêu xài. Do đó các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi đã chiếm đoạt số tiền này. Ngoài ra, các đối tượng còn yêu cầu ông K gọi cho người nhà chuyển thêm 9,5 triệu USD vào ví điện tử để nhằm mục đích chiếm đoạt. Do gia đình ông K phát hiện nên không tiếp tục chuyển và các đối tượng chưa chiếm đoạt được.

nhom doi tuong cuop 35 ty dong cua doanh nhan tien ao phai doi dien voi toi danh nao
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm về vụ việc nhóm đối tượng tổ chức bắt giữ, ép buộc cướp 35 tỷ đồng của doanh nhân tiền ảo

Luật sư Thơm phân tích, Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ khi có hành vi dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc chiếm đoạt được tài sản hay chưa không phải là yếu tố định tội danh Cướp tài sản.

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã lấy camera hành trình trên xe và điện thoại di động của vợ chồng ông K đem phi tang là hành vi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi Cướp tài sản theo kết quả định giá tài sản chiếm đoạt là chiếc camera hành trình và điện thoại di động của vợ chồng ông K.

Có thể thấy rằng, đây là vụ là vụ cướp tài sản với số tiền đặc biệt lớn hơn 35 tỷ đồng và chưa từng có những năm gần đây. Hành vi phạm tội của các đối tượng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức. Các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ, lên kế hoạch, bàn bạc, phân công nhiệm vụ, chuẩn bị công cụ, phương tiện, thời gian, không gian để thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, táo tợn.

Với việc dùng hung khí nguy hiểm (súng, dao, kim tiêm) để đe dọa vợ, con, khống chế ông K để chiếm đoạt tài sản hơn 35 tỷ đồng, các đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Cướp tài sản theo điểm a, Khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo quan điểm của Luật sư, xét quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng thấy còn có dấu hiệu của tội Giữ người trái pháp luật. Bởi lẽ, để đạt được mục đích cướp tài sản, các đối tượng đã khống chế ông K và chia tách vợ, con suốt 2 giờ đồng hồ để tra tấn buộc ông K phải cung cấp mã số ví tiền điện tử. Hành vi phạm tội này của các đối tượng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu xác định con ông K dưới 18 tuổi và các đối tượng phạm tội có tổ chức, giữ ông cùng vợ, con suốt 2 giờ đồng thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, đ, e Khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự.

Đối với hành vi sử dụng vũ khí là khẩu súng ngắn để đe dọa cướp tài sản, cần trưng cầu giám định khẩu súng có thuộc danh mục vũ khí quân dụng hay không. Nếu thuộc vũ khí quân dụng thì đối tượng sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Tàng trữ vũ khí quân dụng theo Khoản 1 Điều 304 Bộ luật hình sự.

Trường hợp, nếu khẩu súng không thuộc danh mục vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013 về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ theo điểm c, khoản 5 và điểm a khoản 8 Điều 10 với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và tịch thu tang vật.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, cơ quan điều tra cần xác định ông K có hoạt động kinh doanh tiền điện tử hay không. Theo pháp luật hiện hành quy định tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định trên. Như vậy, theo quy định này thì tiền điện tử sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng là không hợp pháp.

Nếu có căn cứ xác định ông K kinh doanh tiền điện tử thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d, Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150-200 triệu đồng.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm…

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; c) Làm chết người; d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp…

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ; d) Phạm tội 2 lần trở lên; đ) Đối với 2 người trở lên; e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động