Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO và khai mạc Lễ hội Hoa tam giác mạch.
UNESCO sẽ hỗ trợ Hà Nội trở thành “kinh đô sáng tạo” UNESCO khuyến khích học từ xa thời buổi dịch COVID-19 UNESCO công nhận “Thực hành Then” là di sản văn hóa thế giới
Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật tại lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI-2020.

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang; lãnh đạo tỉnh Hà Giang qua các thời kỳ; đại diện các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, đông đảo cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Hà Giang cùng du khách trong và ngoài nước.

Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã khẳng định được những giá trị địa chất khoa học lịch sử quý giá được bạn bè quốc tế công nhận. Cao nguyên đá là khởi nguồn cho những giá trị đặc sắc nhất cả về cảnh quan và văn hóa nơi đây. Hà Giang là nơi có những cung đường tuyệt đẹp, núi non kỳ vỹ, cao nguyên đá mênh mông, có vẻ đẹp cuốn hút của những cánh đồng tam giác mạch trải dài ngút mắt, những ngôi nhà cổ, những phiên chợ vùng cao giữa một không gian xôn xao của tiếng khèn, tiếng sáo bay bổng.

Là tỉnh miền núi, biên giới, Hà Giang có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ với Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu cùng các địa danh nổi tiếng khác. Cảnh sắc thiên nhiên ở Hà Giang không chỉ có đá núi sừng sững, những mùa hoa nơi đây đã thổi vào mảnh đất nơi cực Bắc của Tổ quốc những nét lãng mạn cùng vẻ đẹp thiên nhiên say đắm.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, những năm qua, chương trình “Lễ hội Hoa tam giác mạch Hà Giang” đã được tỉnh tập trung triển khai như một điểm nhấn về nghệ thuật để ca ngợi những nét đặc trưng văn hóa của Hà Giang. Năm nay, chương trình được tổ chức gắn với Lễ kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá” thể hiện sắc hoa độc đáo của miền cao nguyên đá như những loài hoa của tự nhiên vượt lên đá núi mà tỏa hương, trong đó tiêu biểu là hoa tam giác mạch.

Ngày 3/10/2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) chính thức chấp thuận. Việc Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu thực sự có ý nghĩa rất lớn, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang nói chung và 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng. Trong 10 năm gia nhập mạng lưới, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và sự đồng lòng, quyết tâm chính trị của Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỷ lệ khách du lịch đến Hà Giang ngày một tăng và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Năm 2015, khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 700.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 đạt 14%. Đến năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID - 19, song khách du lịch đến Hà Giang đạt 1,5 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,6%/năm, đóng góp 8,8% GDP của tỉnh. Diện mạo của các huyện vùng cao biên cương Tổ quốc có nhiều thay đổi, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững được nâng lên.

Lễ hội hoa tam giác mạch đã trải qua 5 mùa với những nét đặc sắc riêng riêng có, và năm nay Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ VI-2020 mang chủ đề “Sắc hoa Cao nguyên đá” với những hoạt động được trải dài từ tháng 10 cho đến hết tháng 12 trên khắp vùng Cao nguyên đá, đặc biệt nằm trong chuỗi các sự kiện quan trọng của tỉnh. Điều này thể hiện quyết tâm của Hà Giang trong việc phát triển du lịch, đẩy mạnh giao thương, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Lễ hội hoa tam giác mạch không chỉ là lời khẳng định Hà Giang - nơi ngàn sắc hoa hội tụ mà còn là sự vươn tầm mạnh mẽ của mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, khẳng định vị thế của một Hà Giang bản sắc, an toàn và thân thiện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã vượt qua khó khăn, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng đã, đang và sẽ có nhiều bài toán khó đặt ra cần giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Giang cần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển có chiều sâu một số lĩnh vực có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh đẩy mạnh công tác liên kết vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông với nội, ngoại tỉnh; quyết tâm xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch Quốc gia. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, sự đồng thuận của đồng bào, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục bứt phá, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng Hà Giang giàu mạnh, văn minh, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; dâng hương, dâng hoa tại Đài hương 468 ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tới thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động