Kiến nghị nộp phạt vi phạm hành chính không dùng tiền mặt

Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nộp phạt vi phạm hành chính không dùng tiền mặt để cho khách quan, minh bạch hơn...
Không chấp nhận thỏa hiệp với bất lương và vi phạm pháp luật Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thị trường vàng

Thảo luận ở tổ chiều 16/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu cách thức xử phạt cho hợp lý để không làm mất thời gian, lãng phí tiền của người người dân và nhà nước. Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định hình thức nộp phạt để thuận tiện cho người dân, tránh tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hình thức xử phạt chính gồm: xử phạt cảnh cáo và xử phạt bằng bằng tiền. Ngoài ra còn có các hình thức xử phạt bổ sung khác, chẳng hạn như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều người điều khiển phương tiện trên đường phục vụ mưu sinh, lại vi phạm. Khi bị tịch thu phương tiện, họ không còn phương tiện để làm ăn sinh sống, trong khi đó, Nhà nước lại phải mất chi phí để bảo quản phương tiện đó, người dân cũng phải trả tiền cho việc lưu giữ, bảo quản tài sản đấy. Điều này gây ra thiệt hại cho xã hội.

Kiến nghị nộp phạt vi phạm hành chính không dùng tiền mặt
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định).

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hiện nay có hình thức xử phạt là trừ điểm giấy phép lái xe. “Tại sao chúng ta không thực hiện tối đa việc đó, có thể trừ điểm rất nghiêm đối với giấy phép lái xe, hạn chế việc tịch thu phương tiện để cho người ta có phương tiện mưu sinh. Nhà nước cũng không mất một khoản tiền để lưu giữ, không mất thời gian, gây lãng phí thời gian và tiền của cho xã hội”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đặt vấn đề.

Với phân tích như vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, bên cạnh quy định của pháp luật, trong việc thực thi nên hạn chế tối đa việc tịch thu phương tiện, tang vật, nếu có thể dùng biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác được thì nên sử dụng.

Với quan điểm của mình, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, trong xử lý vi phạm hành chính, nên quy ra thành xử phạt bằng tiền, phạt bổ sung thay vì tịch thu, tạm giữ phương tiện sẽ gây tốn kém cho người dân và đất nước.

“Ví dụ một cái ô tô người ta đang đi làm ăn, một tháng người ta cũng kiếm được tiền triệu. Bây giờ giữ lại, để nó hỏng hóc mà lại mất công trông giữ, mất tiền kho bãi, gây tốn kém ra.

Chúng ta quy hết ra bằng tiền, xử phạt bằng tiền. Thứ hai, phạt bổ sung thì thông báo về cơ quan, tổ chức, địa phương thì thế cũng là cảnh tỉnh người ta rồi. Như vậy sẽ giảm chi phí cho xã hội”, đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, cần làm rõ việc lập biên bản vi phạm hành chính có khó khăn hay không, nếu không thì vẫn cứ lập biên bản, bởi khi lập biên bản thì người vi phạm sẽ thấy khi vi phạm bị lập biên bản, đây cũng là hình thức giáo dục.

Đại biểu cũng đặt câu hỏi, nếu xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, liệu số tiền xử phạt có về ngân sách hay không?

“Tôi kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính là không dùng tiền mặt. Giờ bà bán rau cũng có app có thể chuyển tiền được ngay. Vì vậy cần quy định rõ, nộp phạt vi phạm hành chính là không dùng tiền mặt để cho khách quan, minh bạch hơn”, đại biểu Đinh Ngọc Minh kiến nghị.

Cùng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) góp ý về vấn đề xử phạt vi phạm giao thông. Theo đại biểu, hiện nay có app phần mềm để tra cứu xe vi phạm bị phạt nguội về an toàn giao thông.

Vì vậy, về việc đóng phạt, đại biểu đề nghị cũng đưa lên app để người dân, doanh nghiệp có thể đóng tiền phạt qua điện thoại di động, để vừa nhanh gọn, vừa đỡ mất thời gian, chi phí đi lại cho người dân, vừa đỡ tốn công cán bộ phải ra quyết định xử phạt, giấy tờ, ký tá.

“Vừa rồi tôi có một người bạn từ Đà Nẵng đi vào Đất Mũi tham quan. Người ta vượt tốc độ, bị xử phạt vi phạm hành chính 900 nghìn đồng. Về sau, người ta phải từ Đà Nẵng vào Cà Mau đóng phạt 900 nghìn nhưng chi phí đi lại mất cả triệu.”, đại biểu Nguyễn Duy Thanh lấy ví dụ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động