Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Những vấn đề Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra thì đã được kiến nghị với địa phương hoặc Bộ trưởng để tổ chức thanh tra rõ, làm sâu thêm nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán phải hướng vào đánh giá thị trường tài chính, bất động sản Xây dựng chế tài trong tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán

Ngày 12/9, tại phiên họp thứ 26 cho ý kiến về báo cáo công tác Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã tiếp thu, giải trình về một số nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Theo ông Thơ, về xử lý tài chính, kế hoạch năm 2023 tập trung kiểm toán vào một số chuyên đề giám sát. Còn những năm trước tập trung vào những chuyên đề về miễn, giảm, giãn hoãn thuế và đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước có đối chiếu để xác định nghĩa vụ ngân sách đối với các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước thì số tăng thu cao.

Năm 2023, chủ trương của Quốc hội đang còn có hỗ trợ miễn, giảm cho các doanh nghiệp khó khăn nên Kiểm toán Nhà nước chủ trương không thực hiện đối chiếu thuế mà chỉ thực hiện kiểm toán qua cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan thuế. Nếu có phát hiện những bất cập thì yêu cầu các cơ quan thuế triển khai các theo các quy định của pháp luật, chứ không kiến nghị trực tiếp đối với doanh nghiệp để tăng thu cho nên số liệu xử lý tài chính cũng giảm đi.

Liên quan đến đất đai, vừa qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương khi nghiên cứu kết quả kiểm toán để kiểm tra, tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kiểm tra việc đền bù của sân bay Long Thành và 46 dự án đất đai của tỉnh Đồng Nai. Sau khi có kết quả này, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương có thể yêu cầu một số đơn vị tổng kết để báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt liên quan đến vấn đề cơ chế.

Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.

Về kế hoạch kiểm toán năm 2024, ông Thơ cho biết, tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước sẽ rà soát, đặc biệt là phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là trong xác định danh mục của cuộc kiểm toán, các đầu mối chi tiết.

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ phối hợp với thanh tra các ngành, thanh tra các địa phương để tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm toán. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng chủ trương sẽ lồng ghép tối đa các cuộc kiểm toán để tránh tần suất xuất hiện tại một địa phương, tối đa là không xuất hiện quá 2 lần, kể cả kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán các chuyên đề.

Về kiểm toán chỉ trên cơ sở những bằng chứng thu thập được, xác nhận đưa ra những ý kiến, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, nếu phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, thất thoát thì lúc đó cơ quan sẽ hoàn thiện hồ sơ.

Theo ông Thơ, hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, với thời gian cuộc kiểm toán có 60 ngày, những vấn đề Kiểm toán nhà nước phát hiện ra thì đã được kiến nghị với địa phương hoặc Bộ trưởng để tổ chức thanh tra rõ, làm sâu thêm nếu thấy có dấu hiệu tham nhũng.

"Tổng Kiểm toán Nhà nước kết thúc một cuộc kiểm toán đều có văn bản gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng đề xuất làm rõ thêm những nội dung nghi ngờ có khả năng xảy ra những tiêu cực, thất thoát", ông Thơ nói.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra Bộ Công an, các cơ quan điều tra của các địa phương khoảng 800 bộ hồ sơ để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Còn khi có dấu hiệu mà thu thập thấy rõ thì Kiểm toán Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan điều tra, còn lại thì kiến nghị để các Bộ trưởng, UBND các cấp, chủ yếu cấp tỉnh tiếp tục làm rõ hơn", ông Thơ nói thêm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động