e magazine
26/10/2024 07:00
Bài 1: Di sản của “người đốt lò” vĩ đại

26/10/2024 07:00

Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” là "di sản" vĩ đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

vĩ đại

Bài 1: Di sản của người đốt lò vĩ đại

LTS: Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là vấn nạn đặc biệt nguy hiểm, không chỉ làm tha hóa những người có chức, có quyền, mà còn là trở lực lớn đối với khát vọng hùng cường của dân tộc, đe dọa sự tồn vong của chế độ, đặc biệt là trong bối cảnh cả đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như hiện nay.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Tham nhũng làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước; đe dọa sự ổn định, phát triển đất nước; là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước; một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta và đến nay vẫn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Bài 1: Di sản của người đốt lò vĩ đại

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó trực tiếp và thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả đó đã và đang góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, thực sự đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng những “di sản” của đồng chí sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước; tiếp tục thực hiện những dự định và mong muốn cao cả của đồng chí về xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát triển bền vững vì hạnh phúc của Nhân dân, tiếp tục nâng cao và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), người kế thừa “giữ lửa đốt lò”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta quyết tâm đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại và trong bối cảnh như vậy không thể để những “con sâu” tham nhũng, tiêu cực cản trở con đường phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài 1: Di sản của người đốt lò vĩ đại
Bài 1: “Di sản” của người “đốt lò” vĩ đại

Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” nêu rõ, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng.

“Không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”, cố Tổng Bí thư nêu rõ trong tác phẩm.

Bài 1: Di sản của người đốt lò vĩ đại

Quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã xác định: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đó là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng. Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, như: Nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công” , như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Bài 1: “Di sản” của người “đốt lò” vĩ đại

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực: "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Trong đó, tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng đổi mới cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Trên cơ sở các phương thức lãnh đạo được xác định trong Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, từ tổng kết thực tiễn hoạt động của mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Phó Trưởng Ban Thường trực; lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng, đồng thời là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới dự khởi xướng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Hiện tại, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu. Chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã được sửa đổi, bổ sung để chỉ đạo cả phòng chống tham nhũng và phòng chống tiêu cực. Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng tốt; thực sự là “tổng chỉ huy”, là “nhạc trưởng” của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp. Thành bại của trận chiến này phụ thuộc vào bản lĩnh của Đảng cầm quyền, hiệu lực của hệ thống pháp luật và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

Ở nước ta, tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân mà mục tiêu của cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp này là vì Nhân dân...(*).

Kể từ khi được khởi xướng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, các quan điểm chỉ đạo ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn.

Theo đó, quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên thì phải kịp thời báo cáo và chuyển tài liệu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Theo quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực theo nguyên tắc: Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn.

Bài 1: “Di sản” của người “đốt lò” vĩ đại
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ; từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân; khuyến khích sự tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, từ chức của người có sai phạm; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Từ sự phát triển nhận thức, tư duy về những vấn đề nêu trên, Đảng ta đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, từ tuyên truyền, giáo dục; hoàn thiện thể chế; công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; cải cách hành chính đến phát hiện, xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đó sẽ bảo đảm được “4 không” đó là: “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực mà nhiều quốc gia đã và đang hướng đến (*).

Nhận định về “di sản” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do cố Tổng Bí thư khởi xướng đã trở thành phong trào, cuộc vận động lớn, với mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, để phát triển đất nước.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiêu biểu, kết tinh cho trí tuệ, nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng và sự nghiệp của mình, đồng chí không bao giờ chịu khuất phục trước tham nhũng, tiêu cực bởi: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân chính”. Cả cuộc đời cố Tổng Bí thư nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương. Nếu là chim hãy là chim câu trắng. Nếu là đá hãy là đá kim cương. Nếu là người hãy là người cộng sản".

"Chính những cốt cách và phẩm chất của một người đặc biệt như thế nên cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là hình mẫu cho các thế hệ noi theo. Đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí là người nổi lửa", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, có nhiều loại tham nhũng, nhưng nguy hiểm nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Không những thế, tương đồng thậm chí là nguy hại hơn cả tham nhũng, tiêu cực là lãng phí.

Do đó, phát huy những kết quả đạt được từ thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hòa cho rằng, chúng ta cần tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi để không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí cũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, trường tồn, như bài viết về “chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây.

Mặt khác, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, đầy đủ để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm là rất quan trọng. Để xây dựng và thực thi có hiệu quả văn hóa liêm chính, tiết kiệm, chúng ta cần cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.

“Người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm; biết bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái thiện, cái tiến bộ, văn minh; đồng thời gương mẫu trong ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình ảnh điển hình cho văn hóa liêm chính, không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với tham nhũng, tiêu cực”, ông Hòa chia sẻ.

(*): Trích từ tác phẩm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

(Còn tiếp)


Bài viết liên quan loạt bài: "Di sản của "người đốt lò" và trọng trách "giữ lửa"

Bài 2: "Kiến trúc sư" hiệu triệu lòng dân chống tham nhũng, tiêu cực Bài 3: Kế thừa "di sản", giữ "lò nóng" để giữ lòng dân Bài 4: Vì kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Khó đến mấy cũng phải làm! Bài 5: "Hóa giải" tham nhũng bằng điểm tựa "hồn cốt" dân tộc

Thực hiện: Thành Nhân - Thành Trung

Xem bài 2 »

Thành Nhân - Thanh Trung