|
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước hết được thể hiện ở sức mạnh của văn hóa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự thống nhất về lý trí và tình cảm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không có thế lực nào, dù mạnh đến đâu cũng không thể khuất phục. Trong bối cảnh ngày nay, văn hóa lại càng có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển đất nước, đặc biệt là trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc... văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Cùng với văn hóa thì đạo đức là gốc, là nền tảng của con người và xã hội, do đó tất cả mỗi người đều phải giữ cho được cái “vốn quý” bẩm sinh này, kiên quyết xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là những cán bộ nắm quyền lực trong tay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đạo đức cách mạng là ở bất cứ cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể. Nó phải đánh thắng và tiêu diệt đạo đức cá nhân”.
Các bậc tiền nhân cũng đã có những vần thơ để nói lên tầm quan trọng của đạo đức và người biết gìn giữ, phát huy giá trị của đạo đức sẽ luôn chiến thắng được cám dỗ, tiêu cực.
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trên lợi ích cá nhân là chuẩn mực cao nhất, đây là thước đo, là tiêu chí để đánh giá phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, Đảng ta đã đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc nêu gương của bản thân và nêu gương người tốt, việc tốt.
Có đạo đức, có văn hóa mới có sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ, mới nâng cao uy tín với Nhân dân và đó cũng là cội nguồn để chiến thắng “khuyết tật bẩm sinh” tham nhũng, tiêu cực.
|
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh có những cơ hội và thách thức mới.
Cố Tổng Bí thư nhấn mạnh, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu.
Nếu văn hóa được nhìn từ góc độ là đời sống tinh thần của xã hội, thì ý thức và hành vi tham nhũng luôn đi theo chiều ngược lại những tinh thần văn hóa cao đẹp, những ý thức tích cực hướng tới xã hội nhân văn. Sự lợi dụng quyền hành, uy tín tổ chức, địa vị xã hội... để mưu lợi bất chính cho cá nhân, rõ ràng là sự phản lại tinh thần cộng đồng, tinh thần dân tộc trong quá trình phấn đấu cho mục tiêu vì một xã hội văn minh, phát triển và tiến bộ.
|
Nhà nước ta với bản chất xã hội chủ nghĩa khoa học, nhân đạo, nhân văn không dung chứa “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực. Định hướng phát triển xã hội ta là phấn đấu đạt tới bản chất xã hội văn hóa cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn tồn tại, diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi hơn, đa dạng hơn. Nếu trước đây tham nhũng là những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt, thì nay nó trở thành hiện tượng phổ biến mang tính có tổ chức và hệ thống hơn; tham nhũng được thực hiện trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ưu thế, uy tín để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy địa vị” và tham nhũng chính sách để trục lợi cá nhân.
Như vậy, không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất, mà còn có cả tham nhũng tinh thần; có loại tham nhũng quyền lực, địa vị và chức tước; có loại tham nhũng đúng tên gọi của nó, và có các tham nhũng biến tướng, trá hình, đổi dạng.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng”. Để chống tham nhũng hiệu quả chắc chắn phải cần những người có “bàn tay sạch”. Tuy nhiên, “bàn tay sạch” chưa đủ mà còn cần những con người mà trái tim và khối óc luôn cùng nhịp đập, cùng suy nghĩ trong niềm vui, nỗi buồn của dân tộc mình.
Như vậy, nếu coi văn hóa là phẩm giá, là tổng hòa các giá trị chân - thiện - mỹ, là sự hoàn thiện, phát triển và tiến bộ, thì tham nhũng làm tổn thương các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc - con người Việt Nam; làm tha hóa con người, tha hóa sức mạnh Nhân dân, tha hóa quyền lực của Đảng và Nhà nước, là lực lượng cản trở sự phát triển, tiến bộ xã hội - con người, cản trở định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ ta, đất nước ta.
|
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội), thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, bảo đảm không có vùng cấm, qua đó đã tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Mặc dù vậy, so với kỳ vọng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, tội phạm tham nhũng, tiêu cực vẫn đang rất nhức nhối, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và một trong những nguyên nhân là do công tác cán bộ.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, dù đã có nhiều khâu, nhiều bước, nhiều quy trình đánh giá, kiểm tra cán bộ, nhưng chúng ta cũng nhận thấy có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, vẫn còn một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Không những thế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng còn có mặt bất cập.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đó là những vấn đề cần phải giải quyết sớm để công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thêm hiệu quả trong thời gian tới.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tình trạng không ít cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai nên không quyết liệt trong xử lý công việc gần đây là rất đáng lo ngại, làm chậm trễ, trì trệ hoạt động công vụ và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, kìm hãm nguồn lực phát triển.
Nêu nguyên nhân, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thứ nhất là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Nhóm thứ hai là cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm do một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ, khó thực hiện.
"Cả hai nguyên nhân này đều cần có những giải pháp phù hợp để cởi bỏ tâm lý sợ sai cho cán bộ, để đội ngũ cán bộ thực hiện tốt hơn, có trách nhiệm đối với công việc, trước Đảng, Nhân dân về chức trách, nhiệm vụ của mình", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
|
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp tham gia phòng chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế... thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc xây dựng một văn hóa liêm chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
"Việc xây dựng phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là gốc rễ của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, văn kiện tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh cần nâng tầm liêm chính lên thành “văn hóa liêm chính” trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Cụ thể, cần xem việc xây dựng văn hóa liêm chính là một bộ phận quan trọng của văn hóa chính trị và là bộ phận không thể thiếu của văn hóa xã hội trong thời kỳ mới. Đồng thời, văn hóa liêm chính cần được triển khai trên mọi phương diện, ở nhiều cấp độ, trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm xây dựng nên “tuyến phòng thủ” đạo đức chống lại tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; thiết lập quy tắc ứng xử tôn vinh đạo đức trong sáng, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái chính trị và xã hội văn minh, tiến bộ.
|
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để làm được điều đó, trước hết, chúng ta phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Chúng ta cũng cần tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp...
|
Thực hiện: Thành Trung - Thành Nhân |
|