Như đã nói, tham nhũng, tiêu cực là vấn nạn đặc biệt nguy hiểm, không chỉ làm tha hóa những người có chức, có quyền, mà còn là trở lực lớn đối với khát vọng hùng cường của dân tộc, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo là xu thế không thể đảo ngược, dù có gian nan, cam go, lâu dài và khó khăn đến mấy cũng phải làm, làm để chúng ta vững tâm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
|
|
Nói về nguyên nhân tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, qua việc xử lý kỷ luật, hình sự hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý cho thấy sự quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn cho thấy có một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, thậm chí giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đã không nghiêm túc, gương mẫu trong tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo những cám dỗ vật chất, địa vị mà quên đi lời thề với Đảng, với Nhân dân, trở thành những “con sâu”, những mầm mống gây hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân đang dày công thực hiện.
Đồng thời, thực tiễn đó cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhìn nhận, tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng bản thân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
|
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, bằng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hiện tại là Tổng Bí thư Tô Lâm; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận.
Như vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Cục Đăng kiểm Việt Nam, chuyến bay giải cứu... trong đó đưa ra những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có liên quan, là lời răn de, cảnh tỉnh đối với bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa vững vàng về bản lĩnh, còn dao động trước những cám dỗ về vật chất để tự giác soi lại mình.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đánh giá, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
|
Nhìn vào việc những cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự ai cũng hiểu mục đích trong sáng, cao nhất của Đảng ta là để làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược; để nhìn về tương lai, để giữ đường hướng phát triển của Đảng và đất nước.
Cũng từ sự việc trên, không khó để thấy rằng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng gian nan, khó khăn bởi chính chúng ta lại phải xử lý đồng đội, đồng chí của chúng ta, phải xử lý những người cùng máu đỏ da vàng thì đó là nỗi đau, nỗi day dứt chứ không hề sung sướng, hả hê. Tuy nhiên, khó đến mấy cũng phải làm, với với tinh thần: “Không ngại khó, không ngại khổ, ai không làm thì dẹp sang một bên” vì mục tiêu chung của Đảng, đất nước.
Đến nay, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực dẫu đã tạo ra nhiều chuyển biến, song đòi hỏi rất lâu dài, bền bỉ chứ không thể “một chốc”, “một lát” mà xong. Như một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương từng chia sẻ: “Trước đây, tham nhũng thường mang tính tự phát, còn bây giờ mang tính tổ chức; lợi ích nhóm rất rõ nét. Tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp…”.
|
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực nói riêng là “mệnh lệnh” sống còn của Đảng. Điều đáng mừng là “mệnh lệnh” đó được triển khai ngày càng bài bản, rất quyết liệt, đồng bộ và ngày càng hiệu quả hơn ở cả Trung ương lẫn địa phương, đã khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” từ đó để “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng – trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài đã lần lượt được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Bộ trưởng; Thứ trưởng; Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đều đã bị xử lý nghiêm minh.
|
Nhờ sự khởi xướng của “người đốt lò” vĩ đại, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương, mọi cấp, mọi ngành và toàn hệ thống chính trị cùng chung tay vào cuộc, tạo nên sự đồng lòng, thống nhất cao trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm minh, góp phần làm trong sạch bộ máy Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Cán bộ “không thể, không dám và không muốn” tham nhũng là mục tiêu mà Trung ương và các cấp, các ngành đang nỗ lực hướng đến. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan Nhà nước đến mỗi người dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý cá nhân, tập thể vi phạm. Những vụ đại án đã được phát hiện, xử lý rất nghiêm túc. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực lâu nay vốn được coi là vòng bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài. Các vụ án này thực hiện đúng phương châm “chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
|
Ông Trần Công Phàn cho biết, một điểm mới đáng ghi nhận là nếu như trước đây khi phát hiện những sai phạm, những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, để có thể khởi tố, điều tra, xử lý hình sự được thì phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, thường mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, vấn đề này thời gian gần đây được cải thiện rất nhiều, trong nhiều vụ khi phát hiện có cán bộ, đảng viên sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực quy trình từ xem xét kỷ luật đến khởi tố, điều tra của các cơ quan chức năng rất nhanh, thậm chí là thực hiện khởi tố, điều tra song song với việc xem xét kỷ luật; hoặc khởi tố trước, xem xét kỷ luật sau.
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn nêu rõ, những vụ án, đại án được phanh phui trong thời gian qua một lần nữa cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Khẳng định các cơ quan tư pháp đã đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực, thế nhưng tội phạm vẫn gia tăng nhiều, đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn cho rằng cần chú ý hơn đến công tác phòng ngừa, tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa. Đây không phải trách nhiệm chỉ của các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan, các cấp, các ngành.
|
Theo đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn, xã hội có hai loại hiện tượng “tích cực” và “tiêu cực”. Nếu làm giảm tiêu cực thì có thể tấn công trực tiếp vào tiêu cực, nhưng có những biện pháp chúng ta phải tăng tích cực lên. Ngược lại, khi tích cực tăng thì sẽ giảm được tiêu cực chứ không phải chỉ tập trung vào các biện pháp nhằm giảm tiêu cực một cách trực tiếp. Do đó, ông đề nghị phải rất chú ý đến việc này và đến lúc phải tổ chức nghiên cứu căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa.
Đại biểu Quốc hội Trần Công Phàn cũng cho rằng, cần phải có một hệ thống quy định pháp luật thật chặt chẽ để cho cán bộ không thể, không có điều kiện để tham nhũng. Đặc biệt, cần lưu ý hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, cần phải có cơ chế, chính sách đối với cán bộ; việc sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ như thế nào để họ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Do đó, công tác phòng ngừa rất quan trọng; bởi nếu đã tham nhũng, gây thiệt hại nặng nề và bị xử lý nghiêm thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn, trong khi điều cần thiết nhất là phải xử lý được từ gốc.
Nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp cao từ Trung ương tới địa phương đã bị kỷ luật, khởi tố vì sai phạm liên quan các đại án tham nhũng, kinh tế. |
Nói như vậy để khẳng định một lần nữa rằng, phòng còn hơn chống, đặc biệt trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, khó khăn, phức tạp này cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội và không ai có thể đứng ngoài cuộc vì sự tồn vong, sự phát triển lâu dài, bền vững của Đảng và chế độ. Chúng ta đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa và phải tiếp tục làm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xác định, phân công nhiệm vụ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả” để chúng ta vững tâm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
(Còn tiếp)
|
Thực hiện: Thành Trung - Thành Nhân |