Không thể thu hồi nợ thuế mới hoãn xuất cảnh lãnh đạo doanh nghiệp
Nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng Hải Dương: Nợ thuế, 10 lãnh đạo doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh |
Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết tại buổi họp báo diễn ra chiều 18/6.
Theo ông Minh, trường hợp nợ thuế bị cấm xuất cảnh thường rơi vào người đại diện pháp luật của pháp nhân có nợ thuế.
Nội dung này đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về quản lý thuế nhằm đảm bảo thu hồi được nợ thuế, chống chây ì nợ thuế.
Đặc biệt, các cá nhân có kế hoạch định cư ở nước ngoài sẽ thuộc đối tượng hoãn xuất cảnh nếu đang trong tình trạng nợ thuế, người nước ngoài có khoản nợ thuế cũng thuộc đối tượng hoãn xuất cảnh.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, ngành thuế thường xuyên đôn đốc các đối tượng nộp thuế qua các tin nhắn hoặc chuyển giấy nhắc nợ thuế đến nơi đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp người nộp thuế chuyển địa điểm và không đăng ký thông tin sẽ không nhận được thông tin nhắc nợ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại họp báo, chiều 18/6. |
“Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp nhằm dung hòa các đối tượng nợ thuế và cân nhắc từng hồ sơ của người nộp thuế. Trong trường hợp không còn biện pháp thu hồi nợ thuế thì cơ quan thuế mới gửi yêu cầu hoãn xuất cảnh sang cơ quan xuất nhập cảnh. Những trường hợp trong diện hoãn xuất cảnh đều được thông tin đến người nộp thuế trước khi thực hiện”, ông Minh khẳng định.
Trước đó, theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Cùng với đó, Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
Đồng thời, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.
Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để họ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, theo Bộ Tài chính, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước.