"Không thể bắt thầy cô vừa dạy học, vừa làm thầy thuốc được"

Khuyến cáo “giáo viên và học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường” và đề nghị giáo viên phát hiện các trường hợp ho, sốt, khó thở trong công văn 180/MT-VP của Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế (Bộ Y Tế) gửi các cơ sở giáo dục ngày 13/2/2020 đã khiến dư luận xôn xao.
Phó Thủ tướng: ‘Phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại’ Bộ Y tế: Giáo viên và học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường

Trên facebook cá nhân, BS Võ Xuân Sơn chia sẻ quan điểm: “Nếu tôi có con, tôi sẽ không để con tôi đến trường khi đọc được khuyến cáo này. Tôi thường ủng hộ Bộ Y tế, nhưng với khuyến cáo này thì không thể nào ủng hộ được.

Các thầy cô giáo không có chuyên môn y tế, không thể nhận định được các tình huống lâm sàng. Bộ máy quan liêu, trì trệ không thể phát lệnh mang khẩu trang kịp thời. Trong khi đó, bản thân các tiêu chuẩn cảnh báo dịch như sốt chưa phải là dấu hiệu đủ để loại trừ lây nhiễm.

Bộ Y tế, hãy vì sự an nguy của người dân, đừng khuyến cáo vì mục tiêu gì khác”.

khong the bat thay co vua day hoc vua lam thay thuoc duoc
Ảnh chụp màn hình

Đồng tình với ý kiến này, bác sĩ Hồ Sỹ Thắng cho biết: “Đứng trên quan điểm là 1 bác sĩ tôi coi tính mạng, sức khoẻ của con người là trên hết. Tôi cầu xin Bộ Giáo Dục cho học sinh tạm nghỉ học đến lúc Bộ Y Tế công bố hết dịch CORONA trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thứ nhất: Hiện tại vẫn chưa chắc chắn là đã kiểm soát dịch.

Thứ hai: Virus corona sẽ tấn công vào đối tượng sức đề kháng kém là người già và trẻ nhỏ, trong khi trẻ nhỏ là đối tượng chưa ý thức được về giữ vệ sinh (môi trường đông đúc như lễ hội, bến xe, công xưởng và trường học là những nơi dễ lây lan rộng khi có bệnh nhân nhiễm bệnh sinh hoạt).

Thứ ba: Nếu như các phụ huynh đang đặt vấn đề kinh tế và sinh hoạt gia đình bị đảo lộn lên hàng đầu thì hãy xem Vũ Hán ngay bây giờ. Do chủ quan của chính quyền nên hiện hơn 1.000 người chết, và kinh tế thì dẫm chân tại chỗ và ảnh hưởng cả nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam.

Thứ tư: Sự nghiệp học hành là mãi mãi, chậm 1 tuần hay 1 tháng thì vẫn dạy bù được, nghĩ hè 3 tháng để học bù. Trước đây chiến tranh tàn phá và học hành bị trì trệ thời gian dài nhưng sau này vẫn bắt kịp thế giới mà.

Dẫu biết Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch rất tốt, nhưng đây là một loại dịch bệnh gây chết người hàng loạt và không nên chủ quan trước diễn biến hiện tại.

Đừng để một vài vấn đề nhỏ nhoi bị xáo trộn mà cho nhập học , tôi nghĩ là một sai lầm lớn khi các vị không đưa vấn đề “ phòng hơn chữa” lên hàng đầu. Xin hãy tạm cho con em cách ly tại nhà đến khi công bố hết dịch .... Còn người là còn tất cả”.

Rất nhiều người khác cũng tán đồng quan điểm giáo viên không thể vừa dạy học vừa làm thầy thuốc và tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục nên lùi thời gian học lại để phòng dịch Covid-19.

khong the bat thay co vua day hoc vua lam thay thuoc duoc
Học sinh tham gia học trực tuyến khi nghỉ học vì dịch covid-19

Ha Nguyen Do Cuong: “Cháu đồng quan điểm với bác. Giáo viên đâu có phải là học Y đâu mà ngoài việc phổ cập kiến thức, giáo án, dạy học giờ còn phải để ý đến cả sức khỏe dịch bệnh nữa. Tất cả giao cho giáo viên thì quá dã man với giáo viên ạ”.

VinhBao Le: “Thầy cô kể cả Ban Giám hiệu lấy đâu ra chuyên môn y tế”.

Hương Lê: “Không thể bắt thầy cô giáo vừa dạy học vừa làm thầy thuốc được khi họ không có chuyên môn. Các con thì nghịch ngợm, chưa hiểu biết nhiều về dịch. Thận trọng là cần thiết vì dịch chưa được ngăn chặn”.

Đào Thúy Nga: “Cho đi học lại đổ trách nhiệm lên thầy cô. Bắt thầy cô kiêm nhiệm nhân viên y tế (cái này họ không được đào tạo) theo dõi phát hiện xem học sinh nào có biểu hiện nhiễm bệnh. Thầy cô phát hiện thì đã lây rồi”.

Thảo Nguyễn: “Em có con đang học tiểu học, chỉ mong nhà trường thông báo chính thức cho nghỉ thì bọn trẻ mới yên tâm mà nghỉ. Còn kiểu nhà trường vẫn dạy, nhà nào cho con đi học thì đi và tự chịu trách nhiệm thì ngang đánh đó. Bọn trẻ chúng nó hiếu động, bắt đeo khẩu trang cả ngày chắc gì chúng đã tuân thủ. Lại còn ăn uống tập trung, ôi giời, nghĩ thôi đã thấy run rồi”.

Hiện tại, đã có 26 tỉnh thành ra thông báo cho học sinh trở lại trường vào 17/2 trong đó có 10 tỉnh thành ở phía Bắc bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Đồng Nai, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Đắc Nông, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đồng Nai, Vĩnh Long, Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Hưng Yên, An Giang, Sơn La, Ninh Bình, Trà Vinh.

Riêng Vĩnh Phúc đã ra thông báo cho học sinh nghỉ đến hết 22/2.

Sáng 14/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần “Phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”. “An toàn cả dưới giác độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”, Phó Thủ tướng nói.

khong the bat thay co vua day hoc vua lam thay thuoc duoc

Theo một khảo sát trực tuyến với hơn 32.000 lượt bình chọn, có tới hơn 75% phụ huynh chưa muốn cho con trở lại trường học vào ngày 17/2 này.

Huyền My (t/h)
Phiên bản di động