Không nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình Điều tra Công ty Yên Khánh thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý |
Vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có văn bản phản hồi gửi cơ quan báo chí có đề cập tới vấn đề nhượng quyền quản lý, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình được khai thác toàn tuyến từ 2012. Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Theo đó, VEC giải thích việc nhượng quyền khai thác các dự án đã hoàn thành để tạo nguồn lực đầu tư các dự án mới, năm 2016, VEC đã xây dựng đề án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tuy nhiên, do việc tái cơ cấu tài chính các dự án của VEC đang trong quá trình trình Quốc hội xem xét, phê duyệt nên ngày 6/10/2017 Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 10609/VPCP - QHQT yêu cầu VEC không thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, VEC đã dừng nghiên cứu Đề án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ cuối năm 2017.
Sở dĩ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam ra thông cáo trên là do một số thông tin trên truyền thông mới đây đã đề cập đến việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam nhượng quyền thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Cụ thể, trên báo Sài Gòn đầu tư (Sài Gòn giải phóng) ngày 1/6/2019, có đăng tải bài viết: Đề xuất nhượng quyền cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hơn 9.100 tỷ đồng.
Trong đó cho biết, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa xây dựng đề án nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với trị ước tính sẽ là 9.171 tỷ đồng, trong thời gian 30 năm.
Theo lãnh đạo VEC, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang eo hẹp, Chính phủ và Bộ GTVT đã đưa ra chủ trương nhượng quyền khai thác các dự án đã hoàn thành để có nguồn lực thực hiện các dự án mới.
Do việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc chưa có tiền lệ tại Việt Nam, VEC đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ thành lập doanh nghiệp dự án (SPV), VEC sẽ sử dụng một phần phí nhượng quyền để góp vốn vào SPV, cùng nhà đầu tư tham gia vận hành, khai thác đường cao tốc.
Theo phương án này, cơ cấu nguồn vốn đầu tư VEC đề xuất vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền, trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư chiến lược trong khoảng 12-14%.
VEC đề xuất sử dụng phí nhượng quyền còn lại sau khi tham gia góp vốn vào SPV cùng nhà đầu tư vận hành khai thác dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình để góp vào phần vốn chủ sở hữu đầu tư 2 dự án Ninh Bình - QL45 và QL45 - Nghi Sơn. Tổng nguồn vốn VEC cần đầu tư cho 2 dự án mới là 6.110 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2017 - 2020.
Hiện, VEC đang là chủ đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 583km, trong đó 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 350km. Các dự án còn lại dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành đầu tư. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc, VEC cẩn phải huy động vốn đầu tư mới khoảng 420km.
Tiếp đến ngày 24/6, chuyên trang của Báo Tuổi trẻ Thủ đô điện tử đăng tiếp bài viết: "Nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình" nhắc lại nội dung tương tự như trên.
Báo Đất Việt sau đó đã dẫn nguồn thông tin của báo Sài Gòn đầu tư cũng có những bài viết đề cập tới phương án nhượng lại quyền quản lý và khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trước thông tin trên, một số chuyên gia đã có ý kiến phản biện và cho rằng phải tính toán thận trọng, định giá cho đúng khi xây dựng phương án nhượng quyền quản lý, khai thác tuyến đường trên.
Tuy nhiên, VEC cho rằng, đó là phương án cũ vì thế những phản biện của các chuyên gia thời điểm này không phù hợp với thực tế.