Không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô

Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định.
Có tư duy “không quản được thì cấm” trong quản lý thị trường vàng? Thị trường vàng làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, được Quốc hội thông qua ngày 30/11.

Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng và chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cũng như biện pháp phòng, chống buôn lậu mặt hàng này.

Không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất tháng 6/2025 phải tổng kết, đề xuất sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lập sàn giao dịch ngoại hối (Forex) trái quy định.

Trước đó, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, hiện vàng cũng là vấn đề đau đầu của thế giới. Trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp, giá quốc tế mỗi ounce khoảng 2.300 - 2.400 USD, nhưng hiện đã tăng lên 2.700 USD. Như vậy, so với đầu năm, kim loại quý đã tăng hơn 50%.

Theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng để thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế, bởi khi nhu cầu người dân tăng cao như vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Sau các biện pháp can thiệp, mức chênh giữa thị trường quốc tế và trong nước rút về còn 3 - 4 triệu đồng một lượng.

Mặc dù vậy, giá vàng vẫn chưa ổn định do nhiều yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới. Đồng thời, vàng cũng phụ thuộc nhiều biến số như lãi suất, tỷ giá, giá dầu trên thị trường quốc tế.

Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường và sẽ có giải pháp can thiệp khi cần thiết; cùng các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và tham mưu, đề xuất Chính phủ giải pháp để xử lý tồn tại trên thị trường này.

Về lâu dài, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa. Do đó, các chính sách đưa ra phải làm sao để vàng không còn là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Với nhu cầu vàng để tích lũy theo truyền thống, cơ quan quản lý đánh giá để có giải pháp cung ứng kim loại quý ra thị trường một cách phù hợp.

Liên quan tới việc khi vàng miếng SJC điều chỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng thay đổi theo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích thực tế người dân mua cao thì bán cao và ngược lại. Trong khi doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, họ phải tính toán để không chịu rủi ro khi chỉ là trung gian mua bán.

Còn tổ chức mua vàng rồi sau đó bán lại, họ cũng chịu rủi ro về vốn. Theo quy định hiện nay doanh nghiệp không được vay để mua vàng, nên họ cũng phải thận trọng trong cân đối vốn bởi mua lúc cao, bán khi thấp có thể chịu rủi ro. Theo bà Hồng, bản thân Ngân hàng Nhà nước khi mua vàng trên thị trường quốc tế về bán can thiệp trong nước cũng phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

"Vàng có giá trị cao, giá lên xuống thất thường. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo người dân, doanh nghiệp khi đầu tư vào kim loại quý cần thận trọng, tính toán phù hợp", bà Hồng nói.

Hậu Lộc
Phiên bản di động