Khó trị nhất là “virus ý thức"- Bài 2: Thận trọng hơn với từng hành vi, lời nói của mình

Trong lúc dịch bệnh thế này, mỗi lời nói, hành vi thiếu hiểu biết, thiếu ý thức sẽ như “mang xăng đi chữa cháy”, tác động xấu đến dư luận.
Khó trị nhất là “virus ý thức"- Bài 1: Một người lơ là, cả xã hội vất vả

Vẫn tồn tại những cá nhân thiếu ý thức

Tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Chính phủ, cơ quan chức năng, nhất là ở các tuyến đầu đang căng mình, cân não để chống dịch. Trong từng ngôi nhà, góc phố, mỗi cá nhân đều phải hạn chế bớt nhu cầu cá nhân, trẻ con nghỉ học, người lớn nhiều trường hợp phải nghỉ làm để giảm bớt nguy cơ lây lan Covid-19.

Những thiệt hại do dịch bệnh hoành hành chưa thể đong đếm hết được. Người dân Việt Nam, người dân Hà Nội đã và đang ngày càng tin tưởng tuyệt đối vào các chiến lược đối phó với Covid-19 trong từng giai đoạn của Chính phủ, của các cấp chính quyền. Khi mà thế giới phẳng, thông tin quốc tế được cập nhật hàng ngày, hàng giờ, người ta chẳng cần phải có đầu óc phân tích sâu xa cũng đã hiển hiện so sánh được chúng ta đang tương đối an toàn so với các nước “vỡ trận”.

Một tài khoản Facebook làm việc với cơ quan chức năng vì đăng tải thông tin sai không chuẩn xác trên mạng xã hội
Một tài khoản Facebook làm việc với cơ quan chức năng vì đăng tải thông tin sai không chuẩn xác trên mạng xã hội

Trong bối cảnh ấy, mỗi người dân đều hiểu rằng, tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo, chỉ thị của Nhà nước, của các cơ quan chức năng là phương cách tốt nhất để được an toàn, giảm thiệt hại đến mức tối thiểu trong mỗi mùa dịch bùng phát. Vậy mà, có những cá nhân vẫn thiếu hiểu biết đến mức “rảnh rỗi sinh nông nổi”, dùng mạng xã hội để thể hiện cái tôi hết sức vô ý thức của mình.

Trong 4 ngày, từ 12 - 14/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cá nhân vì đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch Covid-19 trên Facebook. Mỗi cá nhân bị phạt 12,5 triệu đồng.

Những cá nhân trên đã có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch bệnh Covid-19 trong khi cả nước đang quyết tâm chống dịch. Những thông tin sai lệch đó đã gây hoang mang và ảnh hưởng đến dư luận xã hội.

Do đó, mỗi cá nhân vi phạm bị phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Trước đó, ở lần bùng phát thứ ba, chỉ trong ngày 8/2, Hà Nội đã xử phạt 7 trường hợp đăng thông tin sai về dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Những thông tin này chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, bị xử phạt với mức 7,5 triệu đồng/cá nhân. Quyết định xử phạt do Chánh Thanh tra Sở thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Minh ký. Tổng cộng 7 trường hợp này bị xử lý với số tiền là 52,5 triệu đồng.

Hành vi trên vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 20 trường hợp có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm chứng, thông tin không chuẩn xác, gây hoang mang dư luận.

Đó thực sự là những hành vi đáng lên án, đáng hổ thẹn.

Hãy đặt mình vào trong lợi ích cộng đồng

Covid-19 đã bùng phát đến làn sóng thứ tư. Điều đó cũng có nghĩa là gần 2 năm qua, chúng ta đã học được cách “sống chung với lũ”. Không quá hoang mang, không quá sợ hãi nhưng cũng không chủ quan, khinh địch. Dịch bệnh cũng không còn lạ lẫm gì nữa, đòi hỏi mỗi người đều phải thích nghi để tìm ra lối sống mới phù hợp với tình hình hiện tại.

Nếu ở những ngày đầu tiên, khi chúng ta còn chưa rõ dịch bệnh này là gì, nguy hiểm ra sao, còn nhiều hoang mang thì việc một số cá nhân láu táu, chưa có kinh nghiệm, đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên mạng là điều dễ hiểu. Vậy mà, đã gần 2 năm trôi qua, khi cả đất nước đều trang bị cho mình tâm thế sẵn sàng dịch bệnh bùng ra bất cứ lúc nào, thì những cá nhân này tiếp tục còn mắc sai lầm. Điều đó cho thấy, kiến thức là một phần, ý thức còn ở phần lớn hơn.

Bài 2: Thận trọng hơn với từng hành vi, lời nói của mình
Hãy là những "anh hùng bàn phím" khi góp phần lan truyền những hành động đẹp, cảm hứng tích cực cho mùa dịch

Không phải ở vùng sâu, vùng xa, những cá nhân này ở ngay Thủ đô Hà Nội, nơi mà các phương tiện truyền thông, thiết bị hiện đại, hầu như ai ai cũng được cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ. Nên không thể nói những cá nhân này thiếu thông tin được.

Trong khi đó, công tác truyền thông về dịch bệnh của Việt Nam, của Hà Nội rất tốt. Ngoài tin nhắn của Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cập nhật hàng ngày với những trường hợp khẩn. Đó là những thông tin chính thống mà ai ai cũng có thể dễ dàng nắm bắt được.

Dù vậy, mạng xã hội vẫn là một “kênh” thông tin khá nhanh, mức phủ sóng rộng nên những đối tượng kia có thể lợi dụng để đăng những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí sai lệch. Điều đó thể hiện ý thức của mỗi chủ tài khoản Facebook này cực kì kém. Bởi lẽ, “mua vui chẳng được một vài trống canh”, chỉ vì vài cái “like” vô thưởng vô phạt, họ có thể khiến dư luận hoang mang, mất ổn định xã hội, làm cho công cuộc phòng, chống dịch của Hà Nội cũng như cả nước thêm vất vả, kéo theo nhiều hệ lụy.

Từ những cá nhân này, mỗi chúng ta đều nên rút ra những bài học cho mình. Mạng xã hội là cái chợ, không phải “mặt hàng” nào phơi ra cũng mang lại “lãi” cho người bán. Ở đời thường, “lời nói đọi máu” thì trên mạng xã hội, mỗi phát ngôn còn càng phải thận trọng hơn vì có sức lan rộng khủng khiếp, khi hối hận thì đã muộn.

Thế nên, ý thức và ý thức hơn nữa, đó chính là một trong những câu “khẩu quyết” trong mùa dịch bệnh. Vì những thứ tưởng là “chơi chơi” mà lại gây nên hậu họa khôn lường. Những mùa Covid-19 trước, rất nhiều người đã dùng trang cá nhân của mình để truyền cảm hứng sống tích cực bằng cách đăng tải những bài viết về nấu ăn, cắm hoa, các biện pháp tăng cường sức đề kháng, khám phá những điều nhỏ nhặt nhưng rất đáng yêu xung quanh mà ngày bình thường nhiều khi vì bận rộn chúng ta vô tình bỏ qua.

Dịch bệnh đến cho chúng ta thêm một lần nhìn lại mình, nhìn lại cách sống và trân trọng hơn những gì ta đang có. Nên chăng, mỗi người cũng tự ý thức được việc chỉ cần ngồi yên, không làm gì cũng là giúp ích cho chống dịch rồi, chứ đừng làm thêm những việc vô bổ, thậm chí gây nên gánh nặng cho xã hội.

Có như thế, mỗi làn sóng dịch ập đến sẽ lại sớm qua đi, để ai nấy đều được hưởng ngày bình thường như trước đây từng có.

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động