Khi người công nhân là trung tâm tiên phong, sáng tạo…

Tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân - tháng toàn xã hội chăm lo công nhân, phát huy vai trò và tôn vinh đóng góp của giai cấp công nhân cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Công nhân thoát nước Thủ đô tiếp sức sĩ tử "vượt vũ môn" Công nhân thoát nước "giải cứu" đường phố Thủ đô sau cơn mưa lớn Người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp

Vai trò tiên phong, sáng tạo

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam: “Tháng Công nhân hằng năm được tổ chức từ ngày 1 - 31/5, là dịp để các cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động và toàn xã hội chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao trách nhiệm của chính quyền quan tâm xây dựng giai cấp công nhân. Đây cũng là dịp giai cấp công nhân thể hiện vai trò tiên phong, sáng tạo trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Năm nay, Tháng Công nhân diễn ra trong thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng tôi tin rằng, giai cấp công nhân cả nước sẽ nỗ lực vượt khó, tranh thủ thuận lợi, vượt qua thách thức để Tháng Công nhân đạt mục tiêu đề ra.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, phản ánh tất cả những mục tiêu đặt ra đối với Tháng Công nhân năm 2024”.

Tháng Công nhân là sự kế thừa từ tinh thần bất diệt ngày Quốc tế Lao động (1/5) cũng là thực hành những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết giai cấp và đoàn kết công nhân trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Cán bộ Công đoàn (nay là trường Đại học Công đoàn): “Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết...”.

Chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” được thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động của Tháng Công nhân với mục tiêu tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động (NLĐ) cả nước quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Tháng Công nhân năm 2024 thêm ý nghĩa hơn khi diễn ra vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 7 thảo luận, xem xét thông qua nhiều dự án Luật, trong đó có hai đạo luật được công nhân lao động cả nước quan tâm: Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn.

Một trong những điểm mới trong chỉ đạo Tháng Công nhân năm 2024 là Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ định hướng các hoạt động, đặt ra mục tiêu cần đạt được, phân cấp để các cấp Công đoàn chủ động lựa chọn triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với cơ sở, với nhu cầu của đoàn viên, người lao động và được các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động ủng hộ, tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo toàn diện công nhân.

Tại cấp Trung ương có lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024; tổ chức tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, Công đoàn”; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đối thoại với công nhân, lao động năm 2024; triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, cán bộ y tế và tặng quà cho công nhân, lao động khó khăn 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); tiếp tục hướng dẫn LĐLĐ các tỉnh, thành phố triển khai chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động, tập trung lấy ý kiến cử tri là công nhân về dự án Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, thành tích trong lao động, sản xuất và chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”…

Tại các cấp Công đoàn, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tại cơ sở có nhiều hoạt động sôi nổi, tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tháng Công nhân năm nay, lần đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh đến yêu cầu tạo sự quan tâm rộng lớn của toàn xã hội đối với công nhân, tôn vinh công nhân. công nhân sẽ có thêm động lực và cảm hứng để lao động sáng tạo, nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mình và sự lớn mạnh của doanh nghiệp.

Điểm nhấn diễn đàn công nhân

Là người lao động đầu tiên phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10 đã chia sẻ suy nghĩ về việc chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Hạnh đánh giá, May 10 đi được đến ngày hôm nay, trong bối cảnh ngành Dệt may cạnh tranh gay gắt là do bắt kịp xu hướng, dẫn đầu công nghệ, phát động phong trào không ngừng học tập, không ngừng đổi mới.

Chị Hạnh cho rằng, nếu từng người lao động luôn nỗ lực hằng ngày, có mục tiêu, khát vọng với sự đam mê và lòng tự trọng thì hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chỉ khi nâng cao năng suất, người lao động mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái sản xuất sức lao động.

Cùng quan điểm với chị Hạnh, các công nhân khác đều nêu rõ vai trò chủ thể là người lao động trong chuỗi nâng cao năng suất lao động.

Lắng nghe các tham luận tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến, đề xuất rất hay, ấn tượng, tâm huyết, sát thực tế. Theo Thủ tướng, 6 nội dung cần đúc rút để nâng cao năng suất lao động đó là: Yêu nghề, yêu lao động; luôn luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật về vệ sinh an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; luôn luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thoả đáng về tinh thần vật chất, nhất là tiền lương và phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh người lao động.

Thủ tướng Chính cùng các đại biểu dự Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia
Thủ tướng Chính cùng các đại biểu dự Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng chỉ rõ "3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá" để tăng năng suất lao động. Quá trình triển khai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động. Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ và phát triển kĩ năng nghề, kỹ năng sống cho người lao động; thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp; chú trọng công tác thương lượng, đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà động viên người lao động Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà động viên người lao động Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội

Với toàn thể công nhân, lao động, Thủ tướng yêu cầu phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội; không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, có hiệu quả.

“Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong phát triển, xây dựng đất nước nhanh, bền vững", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hoa Thành
Phiên bản di động