Khơi dậy khát vọng xây dựng doanh nghiệp dân tộc xứng tầm

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc khơi dậy khát vọng xây dựng doanh nghiệp dân tộc xứng tầm, có vai trò đầu tàu dẫn dắt trong phát triển kinh tế, nhất là những ngành trọng điểm.
Thủ tướng: Các doanh nghiệp, doanh nhân cần thực hiện 5 tiên phong Ngành ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp là bạn đồng hành

Chia sẻ tại buổi gặp mặt các doanh nhân của Thường trực Chính phủ, sáng 4/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ đồng tình cao với sự đánh giá về vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế mà doanh nghiệp, doanh nhân nước ta đang gặp phải.

Để tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong kỷ nguyên mới của đất nước, lãnh đạo Bộ Công thương đã đưa ra một số kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, làm sao để xã hội có cái nhìn thân thiện hơn, ủng hộ và đối xử công bằng hơn với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ so với doanh nghiệp FDI.

Khơi dậy khát vọng xây dựng doanh nghiệp dân tộc xứng tầm
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Nhà nước tin tưởng, hỗ trợ thiết thực hơn để doanh nghiệp có thể phát triển, bao dung hơn, độ lượng hơn khi vô tình bị vấp ngã. Đồng thời, tuyên truyền đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, sứ mệnh của mình, kế thừa, phát huy truyền thống các thế hệ doanh nhân dân tộc, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập quốc tế, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, khơi dậy khát vọng xây dựng doanh nghiệp dân tộc xứng tầm, có vai trò đầu tàu dẫn dắt trong phát triển kinh tế, nhất là những ngành trọng điểm.

Thứ hai, chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển doanh nghiệp, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn chồng chéo, bất cập, nhất là những văn bản ở tầm luật, nghị định trong luật doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, chứng khoán, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, quản lý thuế, năng lượng và khoáng sản để tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong việc tham gia triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển công nghệ, các yếu tố đầu ra như thị trường và thương hiệu để hỗ trợ hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, có sức cạnh tranh cao, nhằm phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tích cực tham gia đầu tư các dự án lớn trong các ngành quan trọng, có lợi thế cạnh tranh, nhất là ngành công nghiệp mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, bán dẫn, vi mạch, hydrogen.

Trong lĩnh vực thương mại như thương mại điện tử và logistics, tạo động lực bứt phá vững chắc và lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời có cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, nhất là vào các nước phát triển về công nghệ gốc và các nước giàu về tài nguyên khoáng sản nhằm tham gia sâu vào thị trường công nghệ; bảo đảm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đồng thời có điều kiện để tiếp cận công nghệ mới, công nghệ lõi và kinh nghiệm quản trị tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia càng sâu và hiệu quả vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục làm mới, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống từ cả phía cung bao gồm sản xuất nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ du lịch và phát triển doanh nghiệp và phía cầu; hỗ trợ, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách công vụ của các cơ quan nhà nước nhằm đạt 3 giảm là giảm thời gian, giảm chi phí và giảm thủ tục giấy tờ. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế pháp lý để bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Xây dựng và áp dụng chế tài phù hợp cho doanh nghiệp khắc phục những sai phạm về kinh tế… Đồng thời tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu chấp hành tốt các quy định của Đảng, Nhà nước.

Thứ năm, đối với các doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với việc nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, cần tích cực nghiên cứu, góp ý, tham mưu chính sách với các bộ, ngành, với Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án lớn hiện có, đồng thời khuyến khích đầu tư các dự án mới phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Không ngừng áp dụng công nghệ mới, cải tiến mô hình quản trị, quán triệt, nâng cao ý thức và chất lượng nguồn nhân lực, tạo xung lực, khí thế mới trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng e ngại, né tránh. Đầu tư trọng tâm cho nghiên cứu, phát triển để bắt kịp xu thế công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng mới trong đó có hydrogen và điện hạt nhân.

Thứ sáu, phát huy vai trò của các hiệp hội, các tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân; là cầu nối vững chắc để doanh nghiệp, doanh nhân có những phản biện chính sách và thực thi hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời khai thác có hiệu quả những hiệp định tự do mà Việt Nam là thành viên.

Phiên bản di động