Khan hiếm lợn đen, nhiều tư thương nghỉ bán hàng
Lào Cai: Trong vòng 8h bắt 2 vụ tàng trữ và vận chuyển ma túy Công an Lào Cai bắt đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy Khai mạc Lễ hội “Vó ngựa trên mây” ở Sa Pa |
Tư thương nghỉ bán hàng
Nhiều tư thương tạm nghỉ bán thịt lợn tại một số chợ. |
Trên thị trường thành phố Lào Cai, lợn đen bản địa có nguồn gốc xuất xứ từ các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát… là loại thực phẩm chất lượng được nhiều gia đình lựa chọn cho bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Lào Cai từ tháng 5/2019 nên các chốt kiểm dịch được thiết lập nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh trên đàn lợn, việc lưu thông các sản phẩm từ lợn giữa các địa phương vì thế cũng tạm ngừng. Trong khi đó, để có nguồn lợn đen cung cấp cho thị trường, trực tiếp các tư thương phải về tận địa phương lựa chọn. Việc không thể vận chuyển lợn đen từ địa phương này qua địa phương khác là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn thực phẩm này.
Sau nhiều lần chuyển đổi nghề, năm 2015, chị Hà Thị Liên (xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên) đã tìm được địa chỉ nhập lợn đen ngon ở huyện Mường Khương và quyết định mở một sạp bán thịt lợn ở đường Hợp Thành thuộc phường Phố Mới, thành phố Lào Cai. Lợn đen có nguồn gốc xuất xứ, lại thơm ngon, chất lượng nên sạp thịt của chị thu hút rất đông khách, mặc dù giá thịt lợn cao hơn một số nơi khác. Mở hàng lúc 6 giờ sáng nhưng chỉ 1,5 giờ sau là sạp thịt đã hết hàng, một số khách muốn ăn thịt lợn ở đây phải điện thoại đặt trước. Việc kinh doanh đang thuận lợi thì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số địa phương của Lào Cai khiến chồng chị không thể vận chuyển lợn về mổ bán. Cũng từ đây, vợ chồng chị tạm nghỉ bán hàng. Chị cho biết: Vợ chồng tôi trực tiếp lên Mường Khương chọn lợn, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, mỗi ngày chỉ chọn 1 con ngon nhất để mổ bán cho khách. Thời gian này, các chốt kiểm dịch làm việc khắt khe nên chúng tôi tạm nghỉ bán.
Quyết định nghỉ bán là điều khó khăn với các tư thương bởi cung cấp thịt lợn đen đem lại nguồn thu tốt cho họ. Anh Trần Đình Trọng, chủ một sạp thịt lợn đen ở phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) cho hay: Sạp thịt mỗi ngày đem lại thu nhập 600 nghìn đồng cho gia đình tôi. Nghỉ bán một thời gian, đồng nghĩa mất nguồn thu nhập này, nhưng chúng tôi đã xin lỗi khách hàng và không muốn bán thịt không ngon để rồi mất khách.
Người tiêu dùng “săn” lợn đen ngon
Các nguồn cung cấp lợn đen tại các địa phương khan hiếm do Dịch tả lợn châu Phi. |
Khi một số tư thương nghỉ bán một thời gian, người tiêu dùng vốn quen địa chỉ mua thịt lợn lại phải tìm chỗ khác, nhưng để tìm được một sạp thịt ngon không phải dễ dàng. Tận dụng mối quan hệ người quen, hỏi người tiêu dùng khác, đó là những cách mà khách quen của các sạp thịt lợn tạm nghỉ bán sử dụng để tìm nguồn cung cấp thịt lợn đen mới.
Chị Lê Thị Hồng Nhung ở phường Phố Mới (thành phố Lào Cai) mấy tuần nay không biết mua thịt lợn ngon ở đâu khi chị Hà Thị Liên tạm nghỉ bán. Chị Nhung đã ra chợ mua tại hàng thịt khác vài lần nhưng đều không ưng về chất lượng. Chị Nhung cho biết: Gia đình tôi quen ăn thịt lợn đen của vợ chồng chị Liên bán rồi, bây giờ chị ấy nghỉ bán, muốn mua được thịt ngon cũng khó.
Trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, việc mua thịt lợn ngon đối với người tiêu dùng khá dễ dàng nhưng nay trở nên khó khăn, tận dụng mối quan hệ cũng không thể vận chuyển thịt lợn từ nơi khác về, trên địa bàn thành phố Lào Cai hầu như không còn lợn đen Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà mà chỉ có thịt lợn từ các trang trại chăn nuôi trong thành phố. Những gia đình “sành ăn” đành chờ các tư thương mở hàng trở lại. Trong thời gian này, họ tạm sử dụng thịt lợn ở địa chỉ khác hoặc thay thế thịt lợn bằng các thực phẩm khác. Dịch tả lợn châu Phi đang tác động trực tiếp đến cả người bán và người mua trên địa bàn thành phố Lào Cai.