Khách hàng “tố” mất tiền tỷ tại ngân hàng: OCB kinh doanh thế nào?
Ngân hàng OCB lên tiếng vụ khách hàng tố mất hàng tỷ đồng gửi tiết kiệm |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của quý 1/2020 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), thu nhập lãi thuần của ngân hang tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 1.181 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 151 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về khoản lãi gần 653 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác đạt gần 27 tỷ đồng, giảm 43%; hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 9,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 40 tỷ đồng.
Trong quý 1/2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, ở mức gần 370 tỷ đồng. Nhờ các khoản mục tăng mạnh trên mà lợi nhuận sau thuế của OCB vẫn đạt tới 885 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Khách hàng giao dịch tại OCB. |
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của OCB ở mức 118.958 tỷ đồng, tăng thêm 798 tỷ so đầu kỳ. Trong đó cho vay khách hàng đạt 77.321 tỷ đồng, tăng 8,7% so đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng khá 4% lên mức 71.952 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm ngày 31/3/2020, tổng nợ xấu của OCB giảm nhẹ 1% do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 23% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 4%, ở mức gần 700 tỷ đồng. Ngược lại nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lại tăng 47%, lên 331 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ mức 1,84% hồi đầu năm xuống còn 1,68%.
Thời gian qua, OCB đang dính lùm xùm vụ khách hàng gửi tiết kiệm gần 6 tỷ đồng nhưng ''không cánh mà bay''.
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, từ tháng 9/2011, bà Huỳnh Tuyết Hằng (SN 1972, trú tại quận 1, TP HCM) đến Hội sở OCB tại địa chỉ 41-45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM) để thực hiện các giao dịch tiền gửi.
Cho đến thời điểm tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm trị giá 4,7 tỷ đồng và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm với giá trị 1 tỷ đồng (tổng cộng 2 số tiết kiệm có trị giá 5,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2019, cả hai sổ tiết kiệm trên được OCB trả lời là sổ giả và cho rằng trách nhiệm thuộc về một cá nhân, từng là nhân viên ngân hàng là bà Vũ Phương Thảo.
Theo chia sẻ của bà Hằng, mọi giao dịch của bà này đều được thực hiện tại Hội sở của OCB, giao dịch trực tiếp và công khai.
Đồng thời, trong thời gian bà Hằng tham gia gửi tiết kiệm, bà vẫn được ngân hàng trả lãi đều đặn theo định kỳ vào tài khoản cá nhân của bà từ ngày 12/03/2012 đến tháng 1/2018. Thế nhưng, từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2019, bà Hằng không hề nhận được tiền lãi của ngân hàng.
Vào tháng 9/2018, khi đến kỳ rút lãi/rút tiền thì bà Hằng không liên lạc được với nhân viên Vũ Phương Thảo, liên hệ đại diện phía ngân hàng thì được thông báo là sổ giả và nhân viên Vũ Phương Thảo đã nghỉ việc.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/7, OCB đã có thông cáo báo chí chính thức cho biết, vào tháng 3/2019, ngân hàng nhận được yêu cầu của bà Hằng, thông qua đại điện là Công ty Luật Hưng Yên về việc OCB phải hoàn trả số tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng.
Khi nhận được yêu cầu, OCB đã kiểm tra và xác minh được sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả (phôi sổ tiết kiệm bị làm giả, chữ ký của đại diện OCB trên các chứng từ không đúng và mẫu dấu sử dụng không phải của OCB).
Do vậy, OCB cho rằng không có căn cứ xác định ngân hàng có nhận tiền huy động của bà Hằng với số tiền 6 tỷ đồng, vì toàn bộ hồ sơ liên quan mà bà Hằng cung cấp là giả.
"Xét thấy vụ việc này có thể liên quan đến hành vi lừa đảo của Vũ Phương Thảo, OCB đã hỗ trợ bà Hằng tới gặp cơ quan điều tra, đơn vị thụ lý vụ án để được hướng dẫn", OCB cho biết.
Phía OCB cũng cho biết bà Vũ Phương Thảo từng giữ vị trí cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng khi còn làm việc tại OCB, thuộc khối hỗ trợ. Bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của khách hàng tại ngân hàng.
Theo thông tin của Cơ quan điều tra - Công An TP HCM (PC 02), Vũ Phương Thảo đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để hưởng lãi suất cao. Sau đó, Thảo đã lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các cá nhân này. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo của Thảo, OCB đã tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
OCB cũng cho biết, hiện tại Cơ quan điều tra Công An TP HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.