Kết quả khảo cổ khẳng định giá trị đặc biệt của thành Sơn Tây
Du khách háo hức đón "Tết làng Việt" tại Sơn Tây |
Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, diện tích khoảng 12ha. Thành được xây dựng năm 1822 - một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn.
Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, thành cổ Sơn Tây là vùng “trọng địa” của xứ Đoài, có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là bàn đạp, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Thành cổ Sơn Tây là điểm nhấn quan trọng về văn hóa, du lịch, quân sự phía Tây Thủ đô |
Ông Nguyễn Trọng An - Phó Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm, đơn vị trực tiếp quản lý thành cổ Sơn Tây) cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2023, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây với tổng diện tích là 120m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60m2.
Trong giai đoạn 1, các đơn vị đã tập trung thăm dò tại ba khu vực: Bố chính phủ, Án sát phủ, cổng Đông. Mỗi khu vực có tổng diện tích thăm dò là 20m2 với bốn hố với diện tích 5m2/hố. Tại khu vực Tổng đốc phủ tiến hành khai quật với diện tích 60m2 gồm 3 hố diện tích 20m2/hố.
Khai quật khảo cổ học tại di tích Thành cổ Sơn Tây tháng 10/2023 |
Quá trình khai quật đã phát lộ những hiện vật như: nền móng, các loại gạch, các chân kê đá tảng, một số mảng vỡ là dụng cụ sinh hoạt bằng gốm nung, sắt…
"Từ kết quả điều tra, nghiên cứu, khai quật, Đoàn khảo cổ đã trao đổi một số vấn đề như: Khẳng định giá trị của kết quả khảo cổ nhằm phục vụ nguồn tư liệu, căn cứ cho địa phương chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án tu bổ, tôn tạo lại các công trình đã tồn tại trong di tích Thành cổ Sơn Tây; bảo vệ và phát huy giá trị các hiện vật khảo cổ phục vụ công tác nghiên cứu, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Thành cổ Sơn Tây", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.