Huyện Vĩnh Tường: Đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền GPMB dự án KCN Đồng Sóc
Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nhấn mạnh quan điểm “đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động Nhân dân GPMB dự án CCN Đồng Sóc, đến nay, tại xã Vũ Di đã kiểm kê được 90/90 hộ theo thông báo thu hồi đất, đã chi trả tiền bồi thường cho 86 hộ/90 hộ với số tiền 10,7 tỷ đồng/2,61ha.
Chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Thành Trung nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Đồng Sóc |
Tại xã Vân Xuân có 441 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, trong đó, giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 25,41ha cho 174 hộ với số tiền 59,2 tỷ đồng; giai đoạn 2 GPMB được 1,84ha/26 hộ với số tiền là 7,89 tỷ đồng. Xã Vân Xuân đã kiểm kê được 170 ngôi mộ (trong đó đã chi trả được 163 ngôi mộ).
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Đồng Sóc, huyện Vĩnh Tường đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1119, ngày 22/9/2022 với diện tích sử dụng là 206,56ha thuộc địa phận 3 xã, thị trấn (trong đó diện tích tại xã Vân Xuân là 136,63ha; tại xã Vũ Di là 2,75ha; tại thị trấn Tứ Trưng là 67,18ha).
Tổng mức đầu tư của dự án là trên 2.238 tỷ đồng. Diện tích cần GPMB trong năm 2023 là 50ha, trong đó địa phận xã Vân Xuân là 47,3ha và địa phận xã Vũ Di là 2,75ha. Đến nay được 65% tổng dự án GPMB.
Việc xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Đồng Sóc nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư gồm công nghiệp công nghệ cao (sản xuất các sản phẩm cơ điện tử, điện tử văn phòng, thiết bị tin học, sản xuất phần mềm); công nghiệp cơ khí chế tạo, đặc biệt là sản xuất lắp ráp ôtô, xe máy, thiết bị cơ khí chính xác, thiết bị phục vụ ngành Xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản…
Sau khi dự án hoàn thành sẽ thúc đẩy sự phát triển chung cho ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Vĩnh Tường nói riêng; góp phần đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương và trong vùng, tạo việc làm và thu nhập cho lao động trên địa bàn huyện.
CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) điển hình trong việc đầu tư hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ. |
Trao đổi với PV, ông Đàm Hữu Tuấn - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư XD công trình huyện Vĩnh Tường cho biết, để công tác bồi thường GPMB KCN Đồng Sóc đúng theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, các xã cần tập trung lực lượng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đảng viên, nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa khi có khu công nghiệp.
Tổ tuyên truyền cần thống nhất nội dung và tiến độ thực hiện dự án; Ban Quản lý dự án và xã Vân Xuân cần rà soát lại toàn bộ các hộ có diện tích thu hồi là đảng viên để tập trung tuyên truyền; chuẩn bị nội dung để chuẩn bị tổ chức các hội nghị đối thoại; lập hồ sơ cưỡng chế; thành lập tổ hỗ trợ xã Vân Xuân và rà soát giải quyết đất giao bổ sung; rà soát các ngôi mộ trong diện tích thu hồi và có phương án bố trí di chuyển.
Sự hình thành và phát triển CCN Đồng Sóc - huyện Vĩnh Tường góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn |
Công an huyện Vĩnh Tường thường xuyên nắm chắc tình hình, đề xuất phương án xử lý kịp thời các trường hợp phát sinh có thể xảy ra. Đảng ủy xã Vân Xuân tổ chức họp, đối thoại với các hộ có diện tích thu hồi là đảng viên.
Các cơ quan, đơn vị của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tích cực phối hợp với xã Vân Xuân thực hiện công tác tuyên truyền, bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đem lại lợi ích cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Cho đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư lớn, tiêu biểu trong ngành công nghiệp điện tử đến từ Hàn Quốc quyết định lựa chọn KCN Đồng Sóc để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh như Công ty TNHH YPE Vina, Công ty TNHH Korea Circuit, Công ty TNHH Partron Vina… và các đối tác khác đến từ Trung Quốc, Việt Nam. Đến nay, KCN Đồng Sóc đã thu hút 13 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.