Huyền tích về nữ nguyên soái đầu tiên của nước Việt
Hàng nghìn người dân nô nức đến khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa |
Nữ nguyên soái đầu tiên của nước Việt
Có lịch sử khoảng 2.000 năm, đền Tiên La hiển hiện một không gian văn hóa thờ Phật và thờ Mẫu, thờ danh nhân đất Việt độc nhất vô nhị với những nghi thức tôn giáo, tâm linh Việt cổ. Đầu Xuân Ất Tỵ 2025, hòa trong dòng người nườm nượp thành tâm đảnh lễ tại Đền Tiên La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi nhận sự thành kính của người dân dành cho vị nữ danh tướng Vũ Thị Thục.
![]() |
Câu chuyện hào hùng về vị nữ nguyên soái đầu tiên của nước Việt, bà Vũ Thị Thục, được lưu giữ tại đền Tiên La |
Theo sử sách, tháng 3 năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị cất quân khởi nghĩa để trả thù nhà, đền nợ nước. Biết tin, bà Vũ Thị Thục đã hội quân cùng Hai Bà Trưng đánh quân Tô Định bại trận chạy về quận Nam Hải - Đông Hán (Trung Quốc). Bà Vũ Thị Thục cùng Hai Bà Trưng đã hạ được 65 thành trì, giải phóng cả một vùng duyên hải rộng lớn của Giao Chỉ. Hai Bà Trưng lên ngôi xưng vương, đóng đô ở Mê Linh, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, thiết lập chính quyền tự chủ từ năm 40 - 43 sau Công nguyên.
Với công lao và thành tích xuất sắc của bà Vũ Thị Thục, Hai Bà Trưng đã phong cho bà tước hàm Đông Nhung Đại tướng quân. Năm 41 sau Công nguyên, vua Đông Hán sai Mã Viện chỉ huy mấy chục vạn quân tinh nhuệ sang đánh chiếm nước ta. Sau nhiều tháng giao tranh quyết liệt, thế giặc quá mạnh, các cánh quân của Hai Bà Trưng lần lượt tan vỡ. Sau khi Hai Bà Trưng mất (năm 43), duy nhất chỉ còn lại đội quân tinh nhuệ của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục lui về vùng Đa Cương hương cầm cự, cố thủ.
![]() |
Bát Nàn tướng quân dẫn dắt người dân chống lại quân đô hộ |
Quân Đông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng bao vây nghĩa quân, sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, bà Vũ Thị Thục và toàn bộ binh sỹ đã hy sinh anh dũng tại gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, Hưng Hà ngày nay) vào năm Quý Mão (năm 43). Nhân dân nhớ thương đã lập đền thờ bà Vũ Thị Thục tại thôn Tiên La. Gần 2000 năm trôi qua, đền thờ và mộ phần của vị nữ nguyên soái đầu tiên của nước Việt vẫn còn đó, được đời đời con cháu và nhân dân hương khói, gìn giữ.
Ngôi đền thiêng bên dòng sông Tiên Hưng
Được biết, Đền Tiên La được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Đền tọa lạc trên diện tích 6.000m2 tại gò Kim Quy, có kiến trúc cổ “Tiền nhất - Hậu đình”; Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc. Cổng tam quan 2 tầng sừng sững uy nghi, phía ngoài cổng có nhiều tượng ngựa đá, voi đá, các nữ binh sĩ bằng đá - người tuốt gươm, người nắm đốc gươm đứng oai nghiêm như gợi nhớ về thuở oai hùng nghìn năm trước.
![]() |
Đền Tiên La được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986 |
Đền Tiên La bao gồm các công trình chính như: Tam quan ngoại, tam quan nội, tiền tế, trung tế và hậu cung. Bao quanh đền là những rặng nhãn sum xuê, xanh tốt cùng nhiều công trình với lối kiến trúc đẹp, chạm trổ công phu và các họa tiết sinh động như: “Long - lân - quy - phượng” đan xen với “Tùng - trúc - cúc - mai”.
Tại đây còn lưu những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nạn Thục Nương. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô to lớn, đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.
![]() |
Đền Tiên La thờ Mẫu Nhân thần - Mẫu Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục - một nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc. Bà là một trong những nữ tướng của Hai Bà Trưng, có công bảo quốc, hộ dân, đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán |
Ngoài ra, tại đền Tiên La còn lưu giữ được nhiều đồ tế quý giá có giá trị thẩm mỹ cao, có niên đại từ thời Lê. Các tài liệu như thần tích và sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông đều có giá trị lịch sử quý giá.
Vị nhân thần hộ quốc, vệ dân
Trong số hơn 200 nơi thờ Mẫu ở Thái Bình, đền Tiên La là một trong những tâm điểm của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của tỉnh. Khác với đa số những nơi thờ tự khác chủ yếu thờ Mẫu Thượng Thiên - Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đền Tiên La thờ Mẫu Nhân thần - Mẫu Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục - một nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc. Bà là một trong những nữ tướng của Hai Bà Trưng, có công bảo quốc, hộ dân, đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán.
Ngoài thờ Mẫu chính là Mẫu Bát Nàn tướng quân, đền Tiên La còn thờ các Mẫu trong Tứ phủ - Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (Mẫu cai quản miền trời, áo đỏ), Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Mẫu cai quản miền đất, áo vàng), Mẫu Đệ Tam Thoải Tiên (mẫu cai quản miền nước, áo trắng), Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Mẫu cai quản miền rừng núi, áo xanh), Hội đồng Thánh Cậu (Cậu Bảy Tiên La), Hội đồng Thánh Cô (Cô Bảy Tiên La).
![]() |
Du khách lắng nghe về huyền tích của Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân |
Ông Đặng Trần Vũ Nhã (thủ từ đền Tiên La) kể rằng: "Hằng năm, Ban Quản lý đền Tiên La thường tổ chức nhiều ngày lễ lớn theo Âm lịch nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và du khách như: Ngày 1 - 4 tháng Giêng tổ chức lễ Thượng Nguyên; Ngày 10/3 tổ chức lễ cáo yết khai hội, rước nước; Ngày 1 - 17/3 tổ chức lễ hội đền Tiên La (chính hội ngày 17, trùng ngày mất của Bát Nạn tướng quân, ngày 17/3 năm Quý Mão); Ngày 15/8 tổ chức đại lễ sinh nhật; Ngày 10/11 tổ chức lễ kỷ niệm ngày Bát Nạn tướng quân dấy binh khởi nghĩa.
Trong đó, lễ hội đền Tiên La được tổ chức theo quy mô lớn, bao gồm các nghi thức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Rước kiệu, rước nước, đánh đáo, thổi sáo trúc, chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, biểu diễn chèo".
Trải qua 2.000 năm lịch sử, thời gian không làm mờ tín ngưỡng của người dân đối với Mẫu Tiên La, ngược lại, chiến công và sự anh linh của bà vẫn được ca tụng và thờ phụng. Đồng thời, ngôi đền cổ kính bên bờ sông Tiên Hưng càng ngày càng uy nghi, linh thiêng, tươi đẹp.