Huyện Thanh Trì siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Tính đến ngày 24/4/2023, các đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thanh Trì kiểm tra, giám sát 82 cơ sở. Trong đó có 22 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 35 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Qua kiểm tra có 75/82 cơ sở (91,5%) cơ sở đảm bảo các quy định về ATVSTP; 7 cơ sở chưa đạt (8,5%).
Nguyên nhân vẫn còn một số cơ sở chưa đạt là do quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định; Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP; Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập… Dự kiến các cơ sở này sẽ bị phạt số tiền là với số tiền 28.000.000 đồng.
Đối với tuyến xã, thị trấn, huyện Thanh Trì đã tổ chức 25 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã để kiểm tra 149 cơ sở (trong đó: 11 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 32 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 103 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 3 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố).
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng kịp thời tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; Nhắc nhở và yêu cầu khắc phục đối với những cơ sở chưa đảm bảo các quy định về ATVSTP.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của huyện Thanh Trì kiểm tra một cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện |
Nhân Tháng hành động ATVSTP năm 2023, ngày 25/4, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 về ATVSTP của thành phố Hà Nội do đồng chí Đặng Văn Được - Trưởng phòng An toàn kỹ thuật môi trường - Sở Công thương làm Phó Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Đoàn đã kiểm tra bếp ăn tập thể tại Trường Mầm non A Vạn Phúc. Bếp ăn của trường cung cấp mỗi ngày hơn 200 suất ăn.
Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn của nhà trường bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định. Hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác bảo đảm ATVSTP của bếp ăn cũng đầy đủ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu nhà trường cần sắp xếp lại bếp ăn, bảo đảm theo quy trình một chiều và thông thoáng .
Chủ động triển khai đảm bảo ATVSTP
Theo báo cáo, 4 tháng đầu năm 2023, huyện đã chủ động, nghiêm túc triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó có công tác đảm bảo ATVSTP.
Bên cạnh đó, huyện cũng quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp (vùng trồng rau, thủy sản, cây ăn quả tập trung) ổn định, an toàn, đạt tiêu chuẩn.
Hệ thống các chợ trên địa bàn được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, công tác triển khai thực hiện đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ tại các chợ nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm và tạo niềm tin cho người dân trong việc mua bán thực phẩm.
Công tác phát triển làng nghề trên địa bàn cũng được quan tâm. Hiện các làng nghề được thành phố công nhận (bánh chưng Tranh Khúc, rượu Ngâu, miến dong bánh đa Phú Diễn, sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am) sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm đảm bảo theo quy định ATVSTP. 100% nước đô thị được sử dụng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các mô hình, dự án, tiên phong xây dựng đề án về ATVSTP được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện.
Tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, ý thức chấp hành các quy định đảm bảo ATVSTP của người dân được nâng lên.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 về ATVSTP của thành phố Hà Nội kiểm tra tại bếp ăn tập thể Trường Mầm non A Vạn Phúc |
Công tác thông tin tuyên truyền được nâng cao, nội dung ngày càng phong phú, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện; Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì ATVSTP trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, như: Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác thống kê, theo dõi, quản lý; Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại chợ còn gặp khó khăn; Các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
“Để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, như: Vùng trồng rau, thủy sản, cây ăn quả tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ký cam kết sản xuất và kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Trong thời gian tới huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục yêu cầu, các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị xã tập trung chỉ đạo các mô hình điểm, đề án ATVSTP theo kế hoạch của thành phố; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, các cơ sơ thực hiện tốt công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, hậu kiểm, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, vật tư nông nghiệp, chợ, hệ thống phân phối, làng nghề. Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...; Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện…