Huyện Thạch Thất khai trương triển lãm, giới thiệu các sản phẩm làng nghề

Tối 17/6, huyện Thạch Thất tổ chức khai trương triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ.
Mãn nhãn với những sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất

Tối 17/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã dự khai mạc triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023. Đây là sự kiện nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự buổi lễ.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố dự lễ khai mạc triển lãm giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện Thạch Thất năm 2023

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Thạch Thất là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 25km. Huyện có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó có Đô thị vệ tinh Hòa Lạc với diện tích 17.074ha là cơ hội lớn để huyện phát triển trong tương lai.

Được biết, huyện Thạch Thất có 59 làng với 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống gồm: Cơ kim khí Phùng Xá; Mộc - may Hữu Bằng; Mây tre giang đan Bình Phú; Bánh chè lam Thạch Xá; Chè kho Đại Đồng; Mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu; Làm nhà gỗ cổ truyền xã Hương Ngải…

Huyện Thạch Thất tưng bừng khai trương Hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm làng nghề
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ khai mạc

Bên cạnh đó, về mặt văn hoá, Thạch Thất là vùng đất cổ mang đậm nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài với 101 di tích đã được nhà nước xếp hạng, trong đó Chùa Tây Phương được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 34 pho tượng Phật được công nhận là Bảo vật Quốc gia…

Trải qua các thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, huyện Thạch Thất vinh dự có 11 xã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong đó, xã Đại Đồng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng thời kỳ đổi mới; 3 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng Lao động.

Huyện Thạch Thất vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, trong 15 năm qua, Thạch Thất đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên huyện là 18.459ha với 23 đơn vị hành chính gồm 22 xã, 1 thị trấn (12 xã, thị trấn vùng nông giang; 8 xã vùng đồi gò và 3 xã miền núi); 122 thôn, tổ dân phố. Dân số 225.955 người (dân tộc Mường chiếm 5,2% dân số toàn huyện).

Toàn Đảng bộ huyện hiện có 74 tổ chức cơ sở Đảng với tổng số 9.165 đảng viên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 91 triệu đồng/người/năm

Các đồng chí lãnh đạo thành phố cắt băng khai mạc triển lãm.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố cắt băng khai mạc triển lãm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2013, Đại Đồng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Năm 2018, tất cả các xã trong huyện đều đạt xã NTM.

Năm 2020, huyện Thạch Thất vinh dự đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Hiện nay, huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; Phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện ước thực hiện năm 2023 đạt hơn 35,9 nghìn tỷ đồng đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 phấn đấu đạt 100 triệu đồng (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt 120 triệu đồng).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sinh vật cảnh tại triển lãm.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày sinh vật cảnh tại triển lãm

Để đánh dấu kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất sáp nhập về thành phố Hà Nội, huyện tổ chức Triển lãm giới thiệu các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh huyện năm 2023.

Triển lãm gồm hơn 200 gian hàng, hàng nghìn sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp, đồ gia dụng; Hơn 2.000 sinh vật cảnh đặc sắc đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, thành phố, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường được trưng bày, giới thiệu đến Nhân dân và du khách. Kinh phí tổ chức từ nguồn xã hội hóa.

Huyện Thạch Thất tưng bừng khai trương Hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm làng nghề
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất phát biểu tại lễ khai mạc

Diễn ra trong 10 ngày, Ban Tổ chức kỳ vọng triển lãm sẽ tạo chuỗi liên kết giữa 4 nhà: Nhà sản xuất - Nhà quản lý - Nhà khoa học và Nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, triển lãm cũng tạo những trải nghiệm phong phú, thú vị, để lại ấn tượng thân thiện, sâu sắc về văn hóa, con người huyện Thạch Thất, Thủ đô Hà Nội.

Vũ Cường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động