Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Điểm sáng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, huyện Gia Lâm đã phát huy thế mạnh của các điểm giao dịch việc làm, bám sát nhu cầu lao động và đào tào nghề. Do đó, chỉ tiêu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện đã vượt so với kế hoạch đề ra.
Khơi thông nguồn lực, phát huy giá trị các "địa chỉ đỏ" trong phát triển du lịch Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Học sinh ưu tú đầu tiên được kết nạp Đảng Nhiều hoạt động sôi nổi trong Ngày hội đọc sách năm 2023

Phát huy thế mạnh các điểm giao dịch việc làm

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm, qua gần 3 năm thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo Thành uỷ, UBND, các sở, ban, ngành thành phố, Huyện uỷ đã có nhiều giải pháp lãnh đạo UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa quyết liệt, triển khai đchương trình công tác, 3 đề án được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt; Trong đó có 8/13 chỉ tiêu vượt, 2/13 chỉ tiêu đạt, 3/13 chỉ tiêu còn lại đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, với tiêu chí về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm, trong 3 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho 17.226 lao động, trong đó, tính riêng năm 2022 đã tạo việc làm cho 8.964 lao động.

Huyện thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề mở 28 lớp nghề: Chăm sóc sắc đẹp, Chế biến món ăn, Điện công nghiệp, Điện nước công trình, Quản trị khách sạn cho 876 học viên.

Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Điểm sáng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm

Tại buổi kiểm tra về việc triển khai Chương trình 06/Ctr-TU tại huyện Gia Lâm vừa qua, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân đánh giá cao công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện Gia Lâm. “Huyện đặt ra chỉ tiêu cao hơn thành phố và đã vượt. Ở đây, phải nói là giải pháp và cách làm của huyện rất hiệu quả. Trên địa bàn huyện đặt điểm giao dịch việc làm vệ tinh nên đã nắm bắt cung cầu lao động hàng năm của huyện rất sát. Với 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 3 trường cao đẳng, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 doanh nghiệp tham gia dạy nghề nên người lao động có điều kiện tiếp cận thông tin việc làm tốt. Tỷ lệ đào tạo nghề hàng năm của huyện vượt chỉ tiêu và đã đóng góp rất lớn vào chỉ tiêu chung của thành phố” – ông Dân đánh giá.

Ngoài ra, ông Dân cũng nêu ý kiến, sắp tới, huyện Gia Lâm trở thành quận nên cần có tiến hành điều tra về lao động phi nông nghiệp, nhu cầu lao động, nhu cầu đào tạo nghề để có cung sát thực.

Chia sẻ thêm thông tin, Phó Giám đốc ở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân cho hay, trong thời gian tới, thành phố phê duyệt đề án và sẽ nâng cấp điểm giao dịch việc làm vệ tinh ở Gia Lâm thành sàn giao dịch việc làm vệ tinh nên hy vọng, Gia Lâm sẽ phát huy tốt sàn giao dịch việc làm, kết nối cung cầu, kịp thời giải quyết việc làm trên địa bàn huyện.

Chú trọng bồi dưỡng cán bộ, giáo viên

Bên cạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện Gia Lâm đã triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025, định hưởng đến năm 2030”.

Năm 2021- 2022, huyện đã tổ chức 33 lớp tập huấn cho 2.468 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được triển khai bài bản, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và dạy học. Tỷ lệ giáo viên cấp THCS đạt chuẩn đào tạo trở lên cao hơn so với kế hoạch 3,6%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao hơn so với kế hoạch 0,9%; Cấp Tiểu học tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên vượt 17%; Tổ chức triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Gia Lâm tâm huyết, sáng tạo” lần 3 năm học 2021-2022; Cuộc thi “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn” ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lâm năm học 2021-2022.

Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Điểm sáng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Huyện Gia Lâm tổ chức nhiều cuộc thi nâng cao kiến thức cho học sinh

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được quan tâm, hiện 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, 98% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và 84% giáo viên THCS đạt chuẩn và trên chuẩn; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 96,15%.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các nhà trường luôn được quan tâm. Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện có 73/79 trường đạt chuẩn quốc gia.

Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Điểm sáng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để tiếp tục duy trì được các chỉ tiêu vượt kế hoạch, bám sát mục tiêu của Chương trình 06/Ctr-TU, theo ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030”; Duy trì nề nếp, kỷ cương dạy và học, nâng cao chất lượng các cấp học; Tiếp tục và soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng, số lượng trường học đạt chuẩn.

“Đặc biệt, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học chất lượng cao, trường liên cấp; Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, công tác quản lý và phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập và đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trên địa bàn huyện, sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu khi huyện trở thành quận thời gian tới” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm cho biết.

Thái Sơn
Phiên bản di động