Huyện Đông Anh: Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, khai thác tiềm năng đất đai và GPMB
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Huyện Đông Anh cần phát triển bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của thành phố Xây dựng huyện Đông Anh thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại |
Phòng Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường và là cơ quan thường trực về công tác Giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện. Tập thể cán bộ công chức Phòng xác định đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng rất trăn trở trước những tồn tại, khó khăn, bất cập trong giai đoạn tới mà Báo cáo chính trị đã chỉ ra, trong đó có công tác quản lý, khai thác tiềm năng đất đai và GPMB.
Từ tháng 12/2015, Ban chấp hành Đảng bộ Huyện khóa XXVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành chương trình trọng tâm toàn khóa số 06-CTr/HU về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; Quản lý khai thác tiềm năng đất đai, bảo vệ môi trường và GPMB trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”.
Nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là nửa cuối nhiệm kỳ (2018-2020) công tác quản lý, khai thác tiềm năng đất đai và GPMB của huyện đã đạt được những thành tích nổi bật, đánh dấu cho một quá trình trở mình, vươn lên mạnh mẽ của một vùng đất giầu tiềm năng và lợi thế.
Cụ thể, huyện Đông Anh đã cấp xong 100% Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; 99,5% số thửa đất đủ điều kiện và 13.530 Giấy xác nhận ĐKĐĐ (đạt 100% các thửa chưa đủ điều kiện cấp GCN); Đưa trên 250ha đất nông nghiệp công vào quản lý, khai thác (Ký hợp đồng theo quy định để các hộ gia đình, cá nhân thuê sản xuất nông nghiệp); Thu hồi và đưa vào thực hiện Đề án trồng và quản lý cây xanh trên 150ha đất công; Rà soát, thống kê quản lý chống lấn chiếm gần 400 hồ ao (với diện tích khoảng 170ha) để từng bước tách nước thải, kè, xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng theo Đề án Quản lý ao hồ (đến nay, đã thực hiện được khoảng 220 hồ ao).
Bên cạnh đó, huyện Đông Anh cũng đã tổ chức gần 100 phiên đấu giá thu ngân sách 6.123 tỷ đồng (trong đó có những vị trí đất đấu giá 70-90triệu/m2 nhưng khi GPMB các hộ dân đã tự thu dọn mặt bằng trả lại hàng ngàn mét vuông đất đã tự sử dụng, hàng chục mét vuông đã xây dựng công trình kiên cố). UBND huyện cũng đã xử lý gần 1.800 vụ việc vi phạm về đất đai, TTXD từ đó tạo bước chuyển biến rõ nét, tích cực trong công tác quản lý và nhận thức của Nhân dân...
Ngoài ra, đã GPMB xong trên 200 dự án lớn nhỏ, bàn giao khoảng 403ha đất để các Chủ đầu tư thực hiện các Dự án; Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả tiền GPMB trên 7.300 hộ dân với số tiền gần 2.500 tỷ đồng (trong đó các dự án trọng điểm của Trung ương và thành phố đã được thực hiện đảm bảo tiến độ).
Từ những thực tiễn trên, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Trần Thị Quỳnh Nga đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, khai thác tiềm năng đất đai và GPMB giai đoạn 2020-2025: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý, khai thác tiềm năng đất đai, GPMB để nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của cán bộ và Nhân dân; Tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm và hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 15/6/2018 của Chủ tịch UBND huyện về siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đông Anh, Hướng dẫn số 1263/UBND-TNMT ngày 12/7/2019 của UBND huyện về trình tự triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các Dự án thu hồi đất trên địa bàn huyện Đông Anh, Kế hoạch, tiến độ thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Qua triển khai thực hiện, đây là các chỉ đạo mang tính thực tiễn rất cao và mang lại hiệu quả rõ rệt; Các văn bản, kế hoạch khi ban hành đã được sự thống nhất chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy nên đã lãnh đạo và tập hợp được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cũng như chỉ rõ trách nhiệm thực hiện từng đơn vị, cá nhân, tiến độ thời gian…
Vì vậy, giai đoạn tới cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện: Công tác quản lý đất đai phải bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; Không để phát sinh vi phạm mới, từng bước xử lý dứt điểm các vi phạm cũ tồn đọng; Công tác GPMB phải đúng trình tự triển khai gồm 3 giai đoạn 18 bước, trong đó đặc biệt chú trọng đến giai đoạn chuẩn bị thực hiện GPMB gồm 8 bước và tập trung xử lý vi phạm, sử dụng công nghệ Flycam ghi nhận lại toàn bộ hiện trạng các khu đất trước khi thực hiện GPMB; Công tác đấu giá QSD đất phải được thực hiện quyết liệt từ khâu chuẩn bị đầu tư đến GPMB, xây dựng hạ tầng…
Với thế mạnh về truyền thống lịch sử và tiềm năng đất đai to lớn của quê hương cùng sự quyết tâm nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và chính quyền, Nhân dân Đông Anh, cùng sự giúp đỡ của Thành ủy, UBND thành phố và các Sở /ngành, huyện Đông Anh sẽ quyết tâm tiếp tục hiện thực quy hoạch đồng bộ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng đất đai, huy động mọi nguồn lực để công cuộc đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận sẽ về đích trong thời gian sớm nhất.