Hướng tới mục tiêu phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn
Sáng 26/5, tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có buổi đối thoại với hơn 200 công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô, đại diện trên 2,5 triệu CNLĐ đang làm việc trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị đối thoại |
Đời sống, việc làm của công nhân, lao động vẫn còn nhiều vướng mắc
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng đã báo cáo về tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ và việc thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lê Đình Hùng, thành phố Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số CNLĐ đông (khoảng 326.000 doanh nghiệp, với trên 2,5 triệu lao động); Trong đó có 9 khu Công nghiệp và chế xuất và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động. Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm chăm lo của các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; Tình hình quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tương đối ổn định.
Đại diện CNLĐ đặt câu hỏi |
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng mừng, tình hình đời sống việc làm của CNLĐ và việc thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn những điều băn khoăn, vướng mắc. Trong đó, tiền lương, thu nhập hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do người lao động phải chịu nhiều chi phí như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa thị trường tăng cao nên đời sống khó khăn, nhiều người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca, thậm chí làm thêm quá giờ qui định...
Về nhà ở, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay số lượng nhu cầu về nhà ở của người lao động lớn, nhưng thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho CNLĐ càng khó khăn hơn. Việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp chưa được nghiêm túc, vẫn còn nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại hội nghị |
Tại buổi đối thoại đã có 22 lượt câu hỏi của CNLĐ dự hội nghị trực tiếp gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Thông qua các ý kiến liên quan đến đời sống, việc làm, thu nhập, nơi ăn chốn ở, trình độ tay nghề của người lao động... đã thể hiện rất nhiều kỳ vọng và mong muốn của CNLĐ Thủ đô gửi đến người đứng đầu chính quyền thành phố. Các ý kiến cũng đã được lãnh đạo 8 Sở, ngành, địa phương liên quan trả lời làm rõ.
Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, hiện thành phố đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn sau hơn 2 năm phòng, chống dịch.
Trong 2 năm qua, thành phố luôn coi an toàn sức khỏe của người dân, của CNLĐ là trên hết. Đến nay, Thủ đô đã khôi phục sản xuất gần như 100%, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của CNLĐ.
Trong những tháng đầu năm 2022, Thủ đô đã có những dấu mốc đặc biệt như tổ chức thành công SEA Games 31, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; Kinh tế phục hồi rõ nét; Du lịch, văn hóa được quảng bá mạnh mẽ, dịch bệnh được kiểm soát, thu ngân sách vượt so với cùng kỳ với năm 2021; Tỷ lệ cho vay vốn, tạo việc làm mới cho CNLĐ tăng cao; Thu nhập của CNLĐ tiếp tục được cải thiện…
“Với những kết quả như vậy, tôi tin rằng, thời gian tới, đóng góp của anh chị em CNLĐ và các doanh nghiệp Thủ đô sẽ mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt sau khi chúng ta cùng phối hợp để những vướng mắc được nêu ra hôm nay được xem xét, tháo gỡ”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đối thoại với CNLĐ Thủ đô |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, buổi đối thoại hôm nay nhằm lắng nghe trực tiếp tâm tư, vướng mắc của người lao động, hướng tới mục tiêu chung thành phố, đó là bên cạnh doanh nghiệp ổn định sản xuất, phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo TP đã lắng nghe với tinh thần cầu thị nhất; Các Sở, ngành sẽ dựa trên chủ trương, chính sách giải đáp trực tiếp cho CNLĐ nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề về chính sách hỗ trợ thuê nhà, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân, lao động; Chính sách hỗ trợ về y tế; Chính sách giáo dục và đào tạo, cải cách hành chính...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao quà cho CNLĐ |
Về chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 08, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó có công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Cụ thể: Giảm quy trình thực hiện, uỷ quyền cho quận, huyện thực hiện để sát hơn, gần hơn; Có quy định trách nhiệm của các đơn vị về quy trình, trách nhiệm, rõ quy trình thực hiện.
Toàn bộ quy trình phân cấp, uỷ quyền, gắn trách nhiệm được tuyên truyền rộng cho người sử dụng lao động và người lao động biết. Trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, về kết quả sơ bộ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tính đến ngày 23/5 là 2.852 hồ sơ của 107 doanh nghiệp, đã chi trả cho 1.462 người và đang tiếp tục thực hiện.
Với những kiến nghị cụ thể như: Đường gom khu công nghiệp Quang Minh, hệ thống chiếu sáng tại khu công nghiệp Thăng Long, kiến nghị lắp wifi cho công nhân… Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh đây là những kiến nghị thiết thực, lãnh đạo thành phố tiếp nhận các kiến nghị để cùng các sở, ngành có giải pháp thực hiện đúng tiến độ cho người lao động.