Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa

Chiều 2/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cùng các đơn vị: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây, UBND huyện Gia Lâm, UBND huyện Sóc Sơn kí kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố.
Ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đền Đồng Cổ Giáo dục truyền thống cho học sinh từ những ngày lễ cổ truyền của dân tộc Hà Nội: Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Đống Đa qua "địa chỉ đỏ"

Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa

Đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ kí kết thỏa thuận hợp tác, đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, di sản giữ vai trò quan trọng. Đối với đất nước ta, di sản là nơi lưu giữ dấu ấn của cội nguồn dân tộc, thể hiện truyền thống yêu quê hương, đất nước; truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích danh thắng (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội truyền thống). Thủ đô là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Rất nhiều di tích có giá trị như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, Thành cổ Sơn Tây, di tích Đền Gióng…

Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các đơn vị kí kết thỏa thuận hợp tác

Hà Nội cũng là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 2.874 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, khoảng gần 2,3 triệu học sinh.

Chính vì vậy, nhiệm vụ giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trong những năm qua luôn được Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giáo dục đào tạo.

Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa
Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị mong muốn, việc giáo dục giúp mỗi học sinh thêm hiểu, tự hào và gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng: “Giáo dục di sản trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng. Từ đó, mỗi học sinh thêm hiểu, tự hào, có ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, di sản văn hóa cha ông để lại”.

Đây cũng là hoạt động của ngành Giáo dục Thủ đô nhằm thực hiện tốt Chương trình 06 ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa

Tại buổi lễ, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; UBND thị xã Sơn Tây; UBND huyện Gia Lâm và UBND huyện Sóc Sơn đã cùng thỏa thuận về nguyên tắc thực hiện, nội dung hợp tác về công tác phối hợp giáo dục di sản cho học sinh trên địa bản thành phố.

Cụ thể, các nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn; khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hoá, làng nghề truyền thống địa phương.

Các học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống nhằm giúp học sinh hiểu rõ và trân trọng truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của địa phương.

Công tác tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương đảm bảo tốt nhất lợi ích của học sinh, phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đúng các quy định hiện hành.

Hợp tác giáo dục truyền thống cho học sinh qua di sản văn hóa
Đại diện các đơn vị tham dự kí kết thỏa thuận hợp tác

Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn thành phố tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất 1 lần/năm học.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học trực thuộc, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, triển khai và thực hiện hiệu quả kế hoạch; ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các khu di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các nhà trường, cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký kết hợp tác, các địa phương có các di tích quốc gia để đẩy mạnh phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục tại các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử địa phương. Các đơn vị lựa chọn một số trường thực hiện tốt kế hoạch làm điểm cho các cơ sở giáo dục khác.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động