Hơn 3 năm “thai nghén” một Hà Nội linh thiêng và hào hoa
Khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2019 Ngày trở về - Ký ức chẳng thể nào quên |
Nhạc sỹ Lê Mây, một trong 10 gương công dân Thủ đô ưu tú vừa được TP Hà Nội vinh danh chia sẻ như vậy về quá trình ông viết ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”.
Trong kho tàng ca khúc đồ sộ về Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây đóng góp không ít bài hát để đời, sau nửa thế kỷ sinh sống ở Thủ đô. Trong đó phải kể đến trước tiên là ca khúc “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”
Nhạc sĩ kể rằng, tác phẩm này ra đời rất kỳ diệu. Từ năm 1997, khi Hà Nội có nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ đã nghĩ đến việc sáng tác một ca khúc rộng hơn, khái quát hơn về Thủ đô hôm nay, sau 1000 năm thăng trầm. Ấy vậy mà trăn trở mãi, ông chỉ viết được 4 câu đầu, còn đoạn sau cứ viết lại vò giấy vứt đi, lặp đi lặp lại.
Nhạc sỹ chia sẻ, năm 2000, trước thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức cuộc sáng tác về sự kiện này, trong bẩy ngày, ông không viết thêm được một nốt nhạc nào, nhưng đến tối ngày thứ 7, nhạc sỹ mơ thấy kinh thành sương khói cổ kính và trong đầu vang lên khúc hát bằng chính giọng hát của mình.
"Tôi vùng dậy và cứ thế chép, đấy là 30 phút hoàn thành bài hát", nhạc sỹ Lê Mây nhớ lại.
Nhạc sỹ Lê Mây |
Sau khi ca khúc ra đời, ca sỹ Minh Ánh là người thu âm đầu tiên, được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam. Ca sỹ thứ hai thu thanh bài hát tại Đài Tiếng nói Việt Nam là Trọng Tấn. Nhạc sỹ Khắc Văn cũng đã đề nghị sửa một chữ trong bài hát làm cho tác phẩm hoàn thiện hơn.
Cùng với tác phẩm nổi tiếng “Hà Nội linh thiêng - hào hoa”, nhạc sĩ Lê Mây còn được biết tới với nhiều ca khúc hay như: “Đêm thu Hà Nội", ca khúc đầu tiên ghi dấu tình yêu Hà Nội; “Quê hương ơi, Hà Nội ơi”; “Cà phê chiều Yên Phụ”; “Trăng về phố”; “Phía Tây thành phố”… Mỗi ca khúc đều là một tình cảm đong đầy với Hà Nội.
Nhiều ca khúc của ông được sử dụng trong các buổi lễ kỷ niệm, các chương trình chào mừng của các đoàn nghệ thuật, các cơ quan tổ chức của trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm được phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam...
Theo nhạc sỹ Lê Mây, trong các tác phẩm ông viết thì “Quê hương ơi, Hà Nội ơi” chính là lời cảm ơn quê hương Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, nơi đã sinh ra ông và cám ơn Hà Nội, nơi đã cho ông trí tuệ và sự thăng hoa âm nhạc. “Cà phê chiều Yên Phụ” là cảm xúc về vẻ đẹp của thiên nhiên Hà Nội, từ mặt hồ Tây mênh mang sóng nước buổi chiều tà, những đàn chim bay về, hàng hoa sữa thơm lừng hay các dãy phố nhỏ hiền hòa…
Sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp âm nhạc, tài sản vô giá nhạc sĩ Lê Mây để lại là khoảng 300 ca khúc với sự phong phú trong các đề tài thể hiện, từ đề tài thiếu nhi, quê hương, đất nước, đến tình yêu, tuổi trẻ… Nhiều thế hệ người Việt Nam rất quen thuộc với ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (thơ Phùng Ngọc Hùng) và tên bài hát này trở thành khẩu hiệu trong cuộc vận động chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay.
Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng với nhạc sĩ Lê Mây, Hà Nội là nơi ông mang nặng nghĩa tình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ cho ông. Năm 2010, khi đi thăm đảo Trường Sa, ông là nhạc sĩ giữ kỷ lục về sáng tác 7 bài hát trong 8 ngày ở đảo. Đến nay, nhạc sĩ Lê Mây chọn cho mình một không gian xanh thoáng mát ở ngoại thành Hà Nội làm nơi sáng tác lý tưởng và tại đây rất nhiều ca khúc mới của ông ra đời.
Nhạc sĩ Lê Mây còn được biết đến là người sáng chế ra đàn T’rưng mini, một loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc làm quà lưu niệm cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. Tính đến nay, ông đã sản xuất ra hàng trăm nghìn cây đàn, mục đích nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, Nhạc sĩ Lê Mây được nhận Huy chương “Vì sự nghiệp văn học - nghệ thuật Việt Nam”, Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều phần thưởng khác. Với những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà và Hà Nội, nhạc sĩ Lê Mây vinh dự được thành phố Hà Nội vinh danh là công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.