Hơn 2 triệu sáng kiến có giá trị làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 2 triệu sáng kiến với tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Nữ Bí thư Đoàn và sáng kiến góp phần xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi 94 tập thể và 136 cá nhân ngành Y tế Thủ đô tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến”

Chiều 8/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" được triển khai từ 1/9/2021 với mục tiêu đến 1/9/2023 đạt 1 triệu sáng kiến.

Tuy nhiên, với tinh thần chủ trương mới, quyết liệt, kết quả cao, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước đã hưởng ứng tích cực, tham gia chương trình.

Tính đến ngày 3/10/2022, chương trình đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến - hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng. Đến nay, cả nước đã có hơn 2 triệu sáng kiến gửi tham gia chương trình; nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao, trên 100 tỷ đồng/năm; tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 33 nghìn tỷ đồng.

Hơn 2 triệu sáng kiến có giá trị làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao các phần thưởng cao quý cho các tập thể, tác giả, nhóm tác giả xuất sắc tiêu biểu được tôn vinh. Ảnh: VGP

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các sáng kiến đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động Việt Nam kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và trong giai đoạn bình thường mới, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình 1 triệu sáng kiến hết sức có ý nghĩa; chúc mừng các tập thể, tác giả, nhóm tác giả xuất sắc tiêu biểu được tôn vinh và cả những tập thể, cá nhân xứng đáng khác, đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, cả nước đã bước qua những ngày tháng phòng, chống đại dịch COVID-19 không thể nào quên, đầy đau thương, mất mát, nhưng cũng rất đỗi xúc động, tự hào. Việt Nam đã thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hơn 2 triệu sáng kiến có giá trị làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ tôn vinh điển hình sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch COVID-19.

Tuy vậy, thời gian tới, vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; cần sự chung tay, góp sức, sự vào cuộc và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; trước hết là để cùng thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ghi nhận, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công đoàn Việt Nam, của đoàn viên, người lao động cả nước. Sự phát triển và lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của giai cấp công nhân trong tiến trình phát triển của đất nước.

"Công đoàn phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; phải sống trong cuộc sống của người lao động; phải nói tiếng nói chân thành của người lao động; phải hành động quyết liệt, hiệu quả trước những vấn đề người lao động cần; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động; quan điểm đầu tư cho người lao động là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thi đua gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua vượt khó, phát triển do Thủ tướng Chính phủ phát động trên tinh thần "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", tập trung thúc đẩy phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo khí thế thi đua sôi nổi, vận động, cổ vũ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực cống hiến, lao động sáng tạo, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam, của người đứng đầu công đoàn các cấp đồng hành cùng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống, phẩm chất vượt trội của dân tộc Việt Nam là cần cù, thông minh, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa; thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Hậu Lộc
Phiên bản di động