Hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ
Gần 1.200 lao động của Hà Nội nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương đang rà soát các lao động được miễn đóng BHYT |
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vai trò và tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong tiến trình lao động, lập thân, lập nghiệp, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ |
Tham dự chương trình có ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội; Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội; Ông Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Các đồng chí đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Tổng công ty đóng trên địa bàn TP Hà Nội; Đại diện các cơ sở Đoàn, các đồng chí Bí thư Đoàn và đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đặc biệt tham dự chương trình còn có 200 các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước.
Điểm cầu hội thảo tại trụ sở Thành đoàn Hà Nội |
14h00
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô nhấn mạnh: Như chúng ta đã biết, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu khai mạc Hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ |
Trong bối cảnh khó khăn với người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang trở thành điểm tựa, giúp họ ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự vững mạnh của hệ thống an sinh xã hội, giúp người lao động và cả doanh nghiệp an tâm, ổn định hơn trong bối cảnh khó khăn chung.
Để giúp người lao động, nhất là lao động trẻ hiểu đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách bảo hiểm thất nghiệp; Mong muốn trở thành kênh thông tin hỗ trợ xây dựng và đẩy mạnh chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, tạo cơ hội cho thanh niên được trang bị kiến thức thông qua các chương trình hội thảo, tư vấn, tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp, hôm nay báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến “Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ”.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ chưa nhận thức rõ được về vai trò và tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trong tiến trình lao động, lập thân, lập nghiệp, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mời các độc giả cùng theo dõi phóng sự ngắn về bảo hiểm thất nghiệp do Báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện.
Ban Tổ chức nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ đang theo dõi hội thảo Hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho người trẻ của báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô.
14h15
Bạn Đinh Văn Huy đặt câu hỏi:Vì sao đang có việc làm lại phải đóng bảo hiểm thất nghiệp? Tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì được hưởng những quyền lợi gì?
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Câu hỏi được ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp: Bảo hiểm thất nghiệp nhằm thay thế những rui ro, đảm bảo cho người lao động không may bị mất việc làm. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo 4 quyền lợi.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ người lao động đào tạo nghề; Hỗ trợ người lao động sớm có việc làm và ổn định việc làm. Khi người lao động chấm dứt lao động được tư vấn việc làm miễn phí. Hỗ trợ đào tạo nghề tức là người lao động được đào tạo kiến thức, kỹ năng để có thể tìm việc làm mới.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách nên người lao động bắt buộc phải tham gia và được hưởng rất nhiều quyền lợi từ bảo hiểm này.
Đoàn viên, thanh niên tham dự trực tiếp đặt câu hỏi với đại biểu |
14h25
Bạn Đào Duy Huy (ở Ninh Bình) đặt câu hỏi: Tôi chấm dứt hợp đồng lao động từ tháng 7/2021 đến nay nhưng chưa lấy quyết định thôi việc. Tôi muốn hỏi khi nào tôi lấy quyết định thôi việc mới làm bảo hiểm thất nghiệp có được không?
Câu hỏi này được ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội giải đáp. Theo ông Thảo, bạn trẻ đã chấm dứt hợp đồng từ tháng 7 bây giờ là tháng 12 đã quá thời gian bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu.
Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội |
14h35
Bạn Nguyễn Thị Hiền đặt câu hỏi: Tôi đang trong quá trình giải quyết hồ sơ bảo hiểm hưởng trợ cấp COVID-19 có lên làm thủ tục lãnh bảo hiểm thất nghiệp hay không. Nếu làm thủ tục lãnh bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng gì tới tiền trợ cấp COVID-19 không?
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội: Theo quy định về đối tượng người lao động đang tham gia bảo hiểm từ tháng 6, người lao động dừng việc làm đến tháng 6/2021 đều được hưởng. Bạn chấm dứt hợp động lao động, nếu đủ điều kiện thì nộp hồ sơ tại các trung tâm hỗ trợ trợ việc làm.
14h40
Trên màn hình Zoom, nhiều bạn trẻ mong muốn đặt câu hỏi.
Bạn trẻ Văn Quân ở Đồng bằng sông Cửu Long gửi tới Ban Tổ chức hai câu hỏi: Từ nhỏ tôi chỉ học đến lớp 9 và làm những công việc tự do như bán trái cây, trồng lúa. Vậy cho tôi hỏi, bảo hiểm thất nghiệp có phụ thuộc vào bằng cấp hay chứng chỉ gì không? Bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có áp dụng với những nghề lao động tự do như là: Xe ôm, bán ve chai, bán vé số... hay không? Tôi làm nghề bán vé số, muốn được đóng thì làm như thế nào?
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bảo hiểm thất nghiệp dựa trên cơ sở tham gia giữa người lao động và doanh nghiệp, không dựa trên bằng cấp. Nếu chúng ta thực hiện giao kết với bên sử dụng lao động thì đủ điều kiện thực hiện chính sách này.
Đối với công việc tự do thì không được bảo hiểm thất nghiệp bao phủ. Cũng đã từng có người đặt vấn đề bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, nghiên cứu vấn đề này, tôi thấy gần 80% các quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách này nhưng gần như không có quốc gia nào thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện.
Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp mang lại lợi ích rất lớn cho cả người lao động và chính doanh nghiệp tham gia và thực hiện loại hình bảo hiểm này.
14h45
Mời độc giả theo dõi phóng sự ngắn để hiểu thêm về bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp.
14h50
Để trả lời rõ thêm về những hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Ai được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, các thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ; Ngoài ra, người lao động còn được hưởng những quyền lợi gì từ việc tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp… các đoàn viên, thanh niên tại hội trường đã đặt câu hỏi với các chuyên gia để giải đáp các thắc mắc cũng như đưa ra ý kiến về loại hình bảo hiểm này.
Đoàn viên đặt câu hỏi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại hội thảo |
Những câu hỏi tiếp theo của các bạn trẻ gửi về Ban Tổ chức: Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội có thể chia sẻ về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp như thế nào? Căn cứ vào đâu để xác định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp? Xin ông cho biết điều kiện để được hỗ trợ học nghề như nào? Mức hưởng hỗ trợ học nghề theo quy định mới hiện tại như thế nào? Điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định mới nhất như thế nào, thưa ông?
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội |
Ông Tạ Văn Thảo cho biết: Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP). Tiền lương hằng tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động như sau: Người lao động đóng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, với mức lương đóng tối đa như sau: Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương cơ sở = 29,8 triệu đồng/tháng; Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Mức lương đóng tối đa = 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Đặc biệt, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP, quy định về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, quy định giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0% từ 1/10/2021 đến 30/9/2022.
15h00
Ngoài những câu hỏi về bảo hiểm thất nghiệp được gửi đến chuyên gia, các bạn trẻ cũng đặt câu hỏi gửi đến đại diện Thành đoàn Hà Nội.
Bạn Lại Anh Tuấn đặt câu hỏi: Tổ chức Đoàn đã đồng hành cùng thanh niên như thế nào trong việc tuyên truyền tới các bạn trẻ về những quy định pháp luật nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp?
Hiện có rất nhiều bạn trẻ chỉ biết đi làm kiếm tiền về nuôi bản thân và gia đình. Việc tuyên truyền chính sách đến với thanh niên, từ xưa vốn được coi là khô cứng. Xin anh chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức Đoàn, nhất là Đoàn cơ sở phải làm gì và làm như thế nào để đưa các chính sách nói chung và chính sách bảo hiểm nói riêng tới các bạn thanh niên?
Anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi được đến tham dự hội thảo và cho biết đây là chương trình vô cùng thiết thực.
Anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội |
Anh Lý Duy Xuân cho biết, theo thống kê có hơn 100.000 lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy các chính sách của Đảng, Nhà nước vô cùng thiết thực với tình hình hiện nay. Qua hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về bảo hiểm thất nghiệp đến bạn trẻ.
Hiểu ý nghĩa của bảo hiểm thất nghiệp, Thành đoàn Hà Nội đã tích cực truyền truyền đến đoàn viên, thanh niên qua không gian mạng xã hội, báo chí, truyền hình. Thành đoàn Hà Nội có 110 cơ sở Đoàn, trong đó có 21 cơ sở Đoàn tại các tập đoàn, công ty. Thành đoàn đã thành lập mạng lưới fanpage từ thành phố đến cơ sở để nắm bắt định hướng dư luận. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội cũng có website riêng và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ Thủ đô và cả nước.
Đặc biệt, báo Tuổi trẻ Thủ đô, đơn vị sự nghiệp của Thành đoàn Hà Nội đã tuyên truyền đa dạng, phong phú chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, chúng tôi thực hiện thông qua sinh hoạt chi đoàn. Từ nội dung này chúng tôi mong muốn, mỗi đoàn viên, thanh niên là một kênh thông tin, nắm bắt được lao động thất nghiệp trên địa bàn mình, tuyên truyền để họ hiểu và tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
15h20
Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, cho biết: Hiện Đoàn Thanh niên thành phố đang tổ chức nhiều phong trào, chương trình đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên.
Qua các phong trào, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền đến thanh niên, công nhân, lao động trẻ, gắn với an sinh xã hội, hoạt động phòng chống dịch, nhất là thời điểm cuối năm, cận kề Tết cổ truyền.
Sang năm sẽ diễn ra Đại hội Đoàn các các nên các cấp ủy quan tâm đến tổ chức Đoàn rất lớn; Đặc biệt là đối thoại Đảng với thanh niên trong các doanh nghiệp, từ đó thanh niên được bày tỏ tiếng nói của mình.
Ngoài ra, tổ chức Đoàn các cấp có câu lạc bộ KT3, thanh niên nhập cư… hỗ trợ thông tin, an ninh, đời sống và qua hội thảo này cũng giúp họ hiểu hơn về bảo hiểm thất nghiệp.
Một vấn đề nữa là tổ chức Đoàn đã có những cơ chế hỗ trợ vốn vay cho thanh niên để các bạn học nghề, làm chủ nghề. Giải quyết vấn đề thanh niên thất nghiệp là giúp thành phố thực hiện tốt an sinh xã hội, thể hiện vai trò Đoàn trong hỗ trợ lao động trẻ.
Bạn trẻ đặt câu hỏi tại hội thảo |
15h25
Từ nền tảng Zoom, bạn Nguyễn Văn Pháp, đại diện cho các bạn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tham dự hội thảo gủi tới ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hai câu hỏi: Tôi là người dân TP HCM. Trải qua đợt dịch vừa rồi tôi thất nghiệp gần nửa năm, đến giờ mới đi làm ở công ty may gần nhà. Xin ông cho biết, muốn đóng bảo hiểm thì bắt đầu từ đâu và liên hệ với ai?
Câu hỏi thứ hai: Tôi 22 tuổi, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau dịch, tôi mới thuê cửa hàng gần nhà mở tiệm trà sữa, nước ép trái cây, hiện có 3 nhân công (tôi là chủ tiệm). Vậy cho tôi hỏi, các nhân sự tiệm trái cây của tôi có phải đóng bảo hiểm không? Tôi sẽ gặp ai để làm thủ tục này?
Bạn Nguyễn Văn Pháp, đại diện cho các bạn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh |
Ông Trần Tuấn Tú cho biết: Nghị định 28/2015, Thông tư 28 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định rõ người lao động tham gia 3 tháng kể từ ngày giao kết hợp đồng thì người sử dụng lao động phải làm thủ tục bảo hiểm với người lao động. Đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm này
Câu hỏi 2: Mở cửa hàng bán trà sữa, ngoài bạn còn có 3 nhân công. Theo Luật Lao động có hiệu lực từ năm 2021, người lao động và người sử dụng lao động xác lập quan hệ lao động phải xây dựng văn bản quyền và trách nhiệm giữa hai bên. Trước đây giao kết quan hệ lao động bằng lời nói, khi xảy ra tranh chấp thì khó giải quyết được. Do vậy, khi bạn thuê người lao động và trả lương thì phải ký hợp đồng lao động.
Trên cơ sở hai bên đã ký giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, bạn là người sử dụng lao động nên phải liên hệ với bảo hiểm cấp quận, huyện nơi bạn đang làm để được hướng dẫn.
Ông Trần Tuấn Tú |
15h45
Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên cả nước bị đình trệ, kéo theo đó là hàng triệu lao động bị mất việc. Trong bối cảnh này, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn; Làm điểm tựa bù đắp cho người lao động khi bị mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn, đặc biệt trong các nhóm ngành có nhiều lao động bị hoãn, dừng việc, thu nhập giảm sút...
Mời độc giả theo dõi phóng sự ngắn về điều kiện, mức hưởng, thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là minh chứng thực tế khi bảo hiểm thất nghiệp không chỉ trợ cấp mà còn trao cơ hội mới về nghề nghiệp cho lao động thanh niên.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô tham gia điều hành buổi Hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ |
15h55
Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ đang theo dõi hội thảo qua sóng trực tiếp trên báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô. Một bạn trẻ đã gửi câu hỏi tới Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội.
Bạn đọc báo Tuổi trẻ Thủ đô: Thưa anh Lý Duy Xuân! Anh đánh giá như thế nào về tình hình lao động trẻ hiện nay? Những đóng góp của lao động trẻ nói riêng và người trẻ nói chung trong sự phát triển đất nước?
Anh Lý Duy Xuân |
Anh Lý Duy Xuân, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: Với tình hình lao động trẻ hiện nay, với công nghệ 4.0, mạng internet kết nối toàn cầu, Thành đoàn Hà Nội, tuổi trẻ Thủ đô cũng đề ra nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn đối với lao động trẻ.
Qua các báo cáo của thành phố, lao động trẻ hiện nay rất năng động, sáng tạo, giỏi nghề.
Trung ương và thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động như: Cuộc thi Bàn tay vàng, vinh danh người thợ trẻ giỏi… Đây là những tấm gương, hình mẫu trong lao động giỏi của thanh niên Thủ đô. Chức năng của Đoàn là tuyên truyền, giáo dục; Đối với lao động trẻ thì hướng đến giỏi kỹ năng, tay nghề nhưng có phẩm chất chính trị vững vàng.
Bên cạnh đó, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng thành lập tổ chức Đoàn, tạo điều kiện cho thanh niên công nhân được rèn luyện, đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Thủ đô có hơn 3 triệu đoàn viên, thanh niên. Xác định đoàn viên, thanh niên Thủ đô đều là nhân tố tham gia phát triển kinh tế nên các tổ chức Đoàn tập trung phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho lao động trẻ, đặc biệt là lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
16h10
Các bạn trẻ tiếp tục gửi câu hỏi đến ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chia sẻ của ông với người trẻ về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung? Vai trò của công nhân trong việc giám sát doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động?
Ông Trần Tuấn Tú |
Ông Trần Tuấn Tú cho biết: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng trên cơ sở chia sẻ rủi ro giữa người tham gia. Bảo hiểm thất nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với thanh niên, các bạn nên tiếp cận, hiểu sâu về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tuyên truyền cho người khác cùng thực hiện nhằm mở rộng diện bao phủ người tham gia. Bất kỳ người tham gia nào cũng đều được hưởng lợi.
Mục tiêu trong thời gian tới, chúng ta phải mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp, đến năm 2030 đạt được 45% dân số. Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải chủ động bồi dưỡng kỹ năng; Nâng cao hiệu lực hiệu quả về quản lý bảo hiểm thất nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hy vọng với những mục tiêu lớn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục là chỗ dựa cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
16h30
Tại điểm cầu Hà Nội, các bạn thanh niên cũng dành câu hỏi cho đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Bạn trẻ gửi câu hỏi tới đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Là người rất gần gũi với các bạn thanh niên, lời khuyên của anh như thế nào khi người trẻ bắt đầu tham gia thị trường lao động (cụ thể vấn đề về lựa chọn nghề nghiệp, trang bị kiến thức pháp luật để đảm bảo các quyền lợi của bản thân...)?
Những dự định của báo Tuổi trẻ Thủ đô trong việc đồng hành cùng thanh niên trong tìm kiếm việc làm; Tuyên truyền các chính sách bảo hiểm, nhất là bảo hiểm thất nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Lời khuyên anh khi chẳng may ngày nào đó, tôi bị rơi vào tình trạng thất nghiệp. Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi phải làm gì để dù trong khó khăn vẫn bình tĩnh tìm ra hướng đi mới, vững vàng trên con đường lập nghiệp gian nan...?
Ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Trả lời các câu hỏi, ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: Khi tham gia thị trường lao động, chúng ta phải nghiên cứu thị trường đó, xem phân khúc nào phù hợp. Có nhiều cách để các bạn trẻ nghiên cứu, tìm hiểu như hỏi ý kiến chuyên gia, tìm hiểu từ các tổ chức đoàn thể, nghiên cứu thị trường của các tổ chức… để hiểu được mình ở phân khúc nào, sau đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng chuyên môn của mình.
Nếu các bạn trẻ không chọn được nghề phù hợp sẽ tạo nên tâm lý thất vọng, qua lần đầu thất vọng sẽ khó khăn cho lần tiếp theo. Khi lựa chọn, chúng ta phải đảm bảo hoàn thành và có đam mê với công việc đó.
Hiện có nhiều kênh để tiếp cận và tham gia thị trường lao động như qua hệ thống hành chính công, đơn vị chức năng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố…
Đối với câu hỏi thứ hai về đồng hành với đoàn viên, thanh niên, ông Ngô Vương Tuấn chia sẻ, báo Tuổi trẻ Thủ đô hiện có 4 ấn phẩm.
Mới đây, báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng 3 tờ báo Đoàn khác ký kết hợp tác với Văn phòng Chính phủ để tuyên truyền trực tiếp các thông tin từ Chính phủ. Đây là thuận lợi mới của báo trong việc tuyên truyền, đặc biệt nội dung về việc làm và người lao động.
Những năm trở lại đây, báo đã có mối quan hệ khăng khích với Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các trung tâm việc làm trên cả nước. Trong đó, báo đã tập trung tuyên truyền về thị trường lao động sau đại dịch, đây là vấn đề quan trọng.
Hiện sau khi lao động di chuyển từ khu vực vùng dịch (nhiều khu công nghiệp) về địa phương, chúng ta phải có sự động viên, hướng dẫn; Có chính sách đối với việc khôi phục lại thị trường lao động, trang bị kiến thức, chính sách cho các bạn trẻ. Điều này đang được báo Tuổi trẻ Thủ đô tuyên truyền sâu rộng với thời lượng lớn.
Về việc tư vấn, hướng nghiệp, báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ thực hiện sớm hơn, không chỉ với cấp THCS mà từ cấp tiểu học và sẽ lựa chọn góc độ tuyên truyền phù hợp.
Nếu không may ngày nào đó, bạn rơi vào tình cảnh thất nghiệp thì đừng quá lo lắng. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi tiếp cận với nhiều người lao động, khi mất việc các bạn chống chếnh, thất vọng. Sau đó, họ tìm đến cơ quan bảo hiểm, được nhận bảo hiểm thất nghiệp, được hướng dẫn học nghề mới và họ đã thành công.
Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Điều quan trọng bạn phải am hiểu pháp luật và tìm người tâm huyết hướng dẫn.
16h50
Tại chương trình, các bạn trẻ cũng được nghe chị Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Anh chia sẻ về những chương trình, hoạt động của Huyện đoàn đối với thanh niên công nhân.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Anh |
16h55
Các bạn trẻ tiếp tục đặt câu hỏi qua nền tảng Zoom với chuyên gia. Bạn Trọng Vũ hỏi: Tôi là đang sinh sống ở Bình Dương, đã đi làm được 2 năm ở xưởng cơ khí gần nhà. Chỗ tôi làm có tới chục công nhân nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc đóng bảo hiểm... Tôi sẽ phải đến cơ quan chức năng nào để được tư vấn về đảm bảo quyền lợi được đóng bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp?
Giải đáp thắc mắc của bạn Trọng Vũ, ông Trần Tuấn Tú chia sẻ: Khi đi làm, chúng ta phải tìm hiểu quyền và lợi ích. Nếu chưa hiểu quy định mà đã ký hợp đồng, bạn sẽ rất thiệt thòi khi vừa không biết, vừa không được hưởng quyền lợi của mình.
Bạn nên tìm hiểu để được tư vấn tại các đơn vị như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, tìm hiểu từ người lao động ở các đơn vị khác. Các bạn có đầy đủ kênh để tiếp cận thông tin khi tham gia bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, hàng năm các cơ quan này đều thông tin đến người lao động, cập nhật thường xuyên để mọi người nắm bắt, kiểm soát.
17h05
Ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô phát biểu bế mạc hội thảo |
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên Thủ đô và cả nước; Đại biểu đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội; Đại biểu các Sở, ban, ngành thành phố; Đại diện Thường trực, các ban của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội... tham dự buổi hội thảo.
Đại diện Ban Tổ chức và đại biểu tại Hội thảo trực tuyến: Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa cho lao động trẻ |
Trải qua 3 tiếng hỏi đáp sôi nổi, buổi hội thảo đã giải đáp các thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Quyền lợi, lợi ích của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp, toàn bộ điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng... đồng thời, cho thấy rõ vai trò của bảo hiểm thất nghiệp đối với hàng triệu người lao động khi giúp họ có nguồn tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì cuộc sống.
Mặt khác, bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính khi không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động.