Học phí và sự sòng phẳng

Nhiều trường Đại học hiện nay dự kiến tăng học phí cho khóa tuyển sinh tới sau 2 năm giữ nguyên. Trước tình hình học phí đồng loạt tăng lên, nhiều người băn khoăn liệu điều này có đi kèm với chất lượng?
Làm chủ công nghệ - Bứt phá thành công Vai trò của người trẻ trong ứng dụng công nghệ Internet vạn vật Nghề tự do - cơ hội và thách thức với giới trẻ

Trường công, trường tư đồng loạt tăng học phí

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2021, mức trần học phí của các trường đại học chưa tự chủ dao động từ 13,5 đến 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng). Các trường đại học tự chủ có mức học phí cao gấp 2 - 2,5 lần so với các trường chưa tự chủ.

Đại học Bách Khoa đưa ra lộ trình tăng học phí từ 2020 đến 2025: mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

Năm 2023-2024, Đại học Bách khoa dự kiến mức học phí 30 triệu đồng/năm đối với sinh viên trúng tuyển các ngành đào tạo đại học chính quy hệ đại trà. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức các hoạt động tuyển sinh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức các hoạt động tuyển sinh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng dự kiến lộ trình tăng học phí cho từng năm học theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng một tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.

“So với năm ngoái, học phí của trường Báo năm nay tăng đáng kể, Các ngành đại trà học phí 440.559 đồng/tín chỉ. Trong khi đó, học phí hệ chất lượng cao là 1.321.677 đồng/tín chỉ. Thực ra vấn đề học phí tăng sinh viên đã được thông báo trước nhưng khi tăng lên thế này, mình sẽ phải đi làm thêm giờ cũng như tiết kiệm hơn mới đủ tiền học và sinh hoạt phí. Các bạn mình cũng kêu than rất nhiều khi học phí tăng trong thời buổi kinh tế đang khó khăn sau đại dịch thế này” - Nguyễn Ngọc Long, sinh viên năm ba trường Học viện Báo chí chia sẻ.

Đối với trường Đại học Ngoại ngữ, học phí hệ chính quy tập trung của năm 2016-2017, mức học phí áp dụng chung cho tất cả các khóa học là 670.000/sinh viên/tháng (tương đương 200.000 đồng/tín chỉ). Cho đến năm 2022, mức học phí hệ chuẩn tăng lên 1.200.000/sinh viên/tháng (tương đương 330.000 đồng/tín chỉ).

Học viện Tài chính dự kiến mức học phí 22 - 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu.

Trường Đại học RMIT Việt Nam cũng có mức học phí trung bình hơn 300-350 triệu đồng/năm. Tùy ngành học, thời gian đào tạo 3 hay 4 năm, học phí toàn khóa dao động từ trên 955 triệu đồng đến gần 1,3 tỷ đồng. Hiện tại, trường này có 7 ngành/chuyên ngành học gồm: Kinh doanh, Truyền thông, Thiết kế, Kỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Quản trị khách sạn.

Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đưa ra mức học phí và các chi phí khác, tổng cộng gần 270 triệu đồng/năm.

Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Đặng Hà Quỳnh Mai, sinh viên năm hai trường Đại học FPT chia sẻ: “Việc tăng học phí vẫn trong điều kiện có thể chi trả được của gia đình mình. Nhưng đối với các bạn khác có lẽ sẽ khó khăn hơn nên các bạn sẽ cố gắng hơn để lấy học bổng của nhà trường. Tuy nhiên, mình thấy về cơ sở vật chất cũng như giảng dạy của trường rất tốt nên nếu có tăng thì cũng rất xứng đáng".

Chất lượng có đi đôi với học phí?

Nhiều năm nay, mỗi khi học phí tăng, các phụ huynh và sinh viên đều đặt ra câu hỏi: “Học phí Đại học tăng, liệu có đi đôi với chất lượng đào tạo?”

TS. Lê Viết Khuyến
TS. Lê Viết Khuyến

Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: “Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nên để so sánh học phí với chất lượng nó khá chênh lệch. Chi phí cho đào tạo bao gồm học phí và các thu nhập khác ở các trường. Đôi khi chi phí đó còn có thể từ các nguồn đóng góp từ những thành phần không phải Nhà nước như mạnh thường quân chứ không chỉ riêng là học phí mới quyết định chất lượng.”

Tuy nhiên, học phí đánh vào túi tiền của dân. Điều đó sẽ vi phạm nếu học phí ngày càng tăng không kiểm soát. Theo ông, chính việc này sẽ vi phạm vào một phép tắc đó là tính công bằng xã hội. Như vậy sẽ loại bỏ những sinh viên ở các gia đình có thu nhập tầm trung hoặc hoàn cảnh khó khăn. Học phí cần có lộ trình và phải công bố trước chứ không phải tuyển sinh vào thì mới công bố, hoặc vào học được một vài năm rồi mới tăng học phí.

Ở một góc độ khác, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Người ta thường nói là tiền nào của ấy, nếu có đủ điều kiện giảng dạy tốt thì chất lượng như cơ sở vật chất, tiện ích cũng sẽ lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể so sánh học phí của điều kiện gia đình bản thân với các bạn học trường quốc tế với mức học phí cao. Khi chọn trường, sinh viên cần xem xét điều kiện kinh tế để cân bằng với học tập. Bên cạnh đó, khi tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà trường cũng sẽ đưa ra các chính sách như giảm học phí hay trao tặng học bổng để các bạn yên tâm học hành”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy tại các trường đại học cần phải sòng phẳng so với việc tăng học phí.

Tất nhiên, chất lượng đào tạo tuy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng không ít trường đại học mỗi năm đều có kế hoạch cải thiện chất lượng dù tăng hay không học phí. Việc đầu tư cho giáo dục đại học chính là đầu tư để được hưởng lợi sau này. Nhiều trường đại học công lập sau khi được áp dụng cơ chế tự chủ đã xây dựng đề án tiền lương mới. Theo đó, mức thu nhập của cán bộ, nhân viên, giảng viên các trường này tăng mạnh so với trước đó với nhiều điểm khác biệt. Điều này phần nào giúp cán bộ, giảng viên cảm thấy "dễ thở" hơn với chuyện cơm áo và yên tâm giảng dạy, nghiên cứu cùng với sự kỳ vọng có sự thay đổi về chất lượng đào tạo.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động