Hoạt động mua bán, cầm cố sổ BHXH tái diễn phức tạp

Qua mạng xã hội, hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) tái diễn phức tạp, với hình thức ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý, chi trả chính sách cũng như đặt người dân vào nhiều nguy cơ, rủi ro...
BQL Các KCN tỉnh Bắc Giang công khai số điện thoại tiếp nhận thông tin về doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH BHXH quận Thanh Xuân nâng cao chất lượng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh Cảnh báo mạo danh Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lừa đảo nhận trợ cấp BHXH, BHTN

Hoạt động ngày càng tinh vi

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tiếp tục gửi cảnh báo đến người dân, người lao động về việc không tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan.

Trước tình trạng một số đối tượng thu gom mua, cầm cố sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi bất chính, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tới người lao động nêu cao cảnh giác, tránh tiếp tay cho các hành vi nêu trên và phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch COVID-19, hoạt động mua bán, cầm cố sổ BHXH của các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook…

Cụ thể, vừa qua, BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về một số trường hợp người lao động và các hội, nhóm quảng cáo mua, cầm cố sổ BHXH trên Website, Facebook.

Qua rà soát sơ bộ trên mạng xã hội Facebook và sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “cầm, thanh lý sổ BHXH” đã cho thấy nhiều kết quả về các hội, nhóm này.

ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước thông tin trên, ngày 5/5/2023, Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đã có Công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của người lao động để trục lợi) gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet.

Về phía BHXH Việt Nam, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, BHXH các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH, như: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của người lao động, kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên Hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng thống nhất, kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần, các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp…

BHXH là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời...

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già.

Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.

Qua tình trạng trên, BHXH Việt Nam tiếp tục cảnh báo tới người dân, người lao động cần nêu cao cảnh giác hơn nữa để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng cho bản thân mình, đồng thời kịp thời phát hiện, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Hệ luỵ cầm cố sổ BHXH

Có thể khẳng định rằng, việc cầm sổ BHXH sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, kể cả người nhận cầm sổ.

Theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi cầm. Việc cấp lại sổ chỉ được thực hiện đối với trường hợp sổ bị hư hỏng, mất mát.

Chính vì vậy, việc cầm sổ BHXH sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Cụ thể, nếu NLĐ mang sổ BHXH đi cầm thì thông thường sẽ phải trả với lãi suất cao. Trong trường hợp không trả được khoản vay, nếu không có sổ thì cũng không được hưởng những quyền lợi như nhận BHXH một lần. Trong khi đó, nếu NLĐ đủ điều kiện sẽ nhận BHXH cao hơn nhiều so với số tiền mà NLĐ mang đi cầm.

Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm xong lại làm thủ tục cấp lại sổ mới và nếu phát sinh tranh chấp thì có thể vi phạm pháp luật với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối với người nhận cầm sổ BHXH cũng có không ít rủi ro. Bởi đã có những trường hợp NLĐ sau khi đã cầm nhưng liên hệ cơ quan BHXH báo mất và được cấp sổ mới. Sau đó, NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Lúc này người nhận cầm cố sẽ mất tiền thế chấp.

Ngoài ra, nếu chẳng may người cầm sổ BHXH chết thì theo quy định là phải giải quyết trợ cấp tuất. Trợ cấp tuất này chỉ giải quyết cho thân nhân NLĐ. Chính vì thế, người nhận cầm sẽ không được giải quyết chế độ BHXH một lần dù đã được NLĐ ký giấy ủy quyền nhận BHXH một lần.

ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Với tình hình thực tế trên, rõ ràng việc cầm sổ BHXH vừa bất hợp pháp vừa bất lợi cho cả người cầm lẫn người làm dịch vụ cầm đồ. Trong khi đó, sổ BHXH là điểm tựa an sinh ổn định cho cuộc sống của NLĐ, có lợi ích về lâu dài. Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không nên cầm sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Liên quan đến vấn đề trên, theo luật sư Vi Văn Diện, Công ty Luật Thiên Minh, Đoàn luật sư TP Hà Nội thì trục lợi chính sách BHXH có thể bị xử hình sự.

Cụ thể, theo quy định hiện nay, sổ BHXH được cấp sẽ giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng chế độ BHXH. Thế nhưng cũng có trường hợp NLĐ gặp khó khăn đã xem sổ BHXH như một tài sản nên mang đi cầm và cũng có trường hợp trả gốc lẫn lãi không nổi nên bị người cầm sổ ép ký giấy ủy quyền “bán lúa non”, đi giải quyết chế độ BHXH một lần. Trên thực tế đã có các “đầu nậu” cầm cố, mua bán sổ BHXH của NLĐ để trục lợi chính sách.

Việc mua bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về chế tài với người cầm, mua sổ BHXH ra sao thì phải căn cứ vào tình hình thực tế và hậu quả như thế nào.

Theo đó, người nhận cầm sổ có yếu tố trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 214 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, luật quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối cơ quan BHXH để chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Hoa Thành
Phiên bản di động