Tăng vốn giúp Vietcombank vươn tầm ra khu vực và thế giới
Ủy ban Kinh tế nhất trí bổ sung gần 20.700 tỷ đồng cho Vietcombank Chính phủ thống nhất bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn cho Vietcombank |
Chiều 26/10, thảo luận tại tổ 18 gồm (đoàn Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam) về chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn như lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Các đại biểu nhấn mạnh, Vietcombank là một trong các ngân hàng thương mại có uy tín, quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Hà Nam). |
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Hà Nam) cho biết, ngày 17/10 vừa qua, Vietcombank đã nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB). Do vậy, việc đề xuất tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại là một giải pháp cần thiết và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
“Mặc dù Vietcombank là ngân hàng hoạt động có hiệu quả và quản trị tốt, luôn dẫn đầu về lợi nhuận. Tuy nhiên tốc độ tăng vốn của ngân hàng trong những năm gần đây gặp khó khăn do các quy định về quản lý vốn của cổ đông Nhà nước và áp lực ngân sách.
Điều này đã phần nào hạn chế năng lực tài chính và khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank… (những ngân hàng liên tục tăng vốn mạnh mẽ thông qua phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại)”, đại biểu Lê Thị Nga phân tích.
Bên cạnh đó, đại biểu Nga cũng cho rằng, việc tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại không chỉ cải thiện hệ số an toàn, giúp Vietcombank duy trì mức độ an toàn tài chính, đảm bảo khả năng phát triển tín dụng, mà còn duy trì tỷ lệ sở hữu và sự kiểm soát của Nhà nước đối với Vietcombank.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Vietcombank vừa phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị như việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vừa qua.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn vốn mà Vietcombank đề xuất từ nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách Nhà nước, do đó không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia. Không những vậy, hình thức này còn giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, bởi không cần cấp thêm vốn trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng.
Đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ lần này còn mang ý nghĩa chiến lược giúp Vietcombank tiến thêm một bước quan trọng trong việc vươn tầm ra khu vực và thế giới.
“Với nền tảng tài chính được củng cố, Vietcombank không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế quốc gia mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.