Hoàn thành công tác đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm
Nhân lực là vấn đề then chốt khi làm điện hạt nhân |
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại Chỉ thị số 1/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng.
Được biết, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư lần đầu vào năm 2009. Tổng diện tích quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 1.642,22ha, ảnh hưởng đến 1.100 hộ dân với gần 4.000 người.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.
Liên quan đến dự án này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công thương đã nghiên cứu, rà soát, báo cáo lên Chính phủ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở được sự đồng ý về mặt chủ trương của Trung ương và gần đây Quốc hội cũng đã thống nhất nội dung này.
Vấn đề đặt ra là chúng ta tổ chức, triển khai như thế nào. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ. Có mấy nội dung quan trọng.
Ảnh minh họa. |
Trước hết, phải hoàn thiện thể chế pháp luật, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân.
Trong tuần này, Chính phủ họp đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi luật về năng lượng nguyên tử, cũng là một cơ sở liên quan đến các vấn đề nội dung cơ bản, liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân. Với hành lang như vậy thì cơ bản đã đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai.
Thứ hai, Bộ Công thương đã tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo dự kiến do đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, sẽ các thành viên gồm các Bộ trưởng các ngành có liên quan. Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và dự kiến sẽ gồm đại diện của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học về phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là Bộ trưởng Bộ Công thương.
Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII. Đây là một cơ sở pháp lý cơ bản trong vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Quốc hội, của Trung ương.
"Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn chủ đầu tư trong vấn đề triển khai thực hiện nhà máy điện hạt nhân. Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể rất đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện", ông Tân nói.
Một điểm cơ bản nhưng cũng rất quan trọng liên quan đến địa phương. Bộ Công thương đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu và sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương để thuận lợi nhất cho quá trình triển khai dự án.
Về thuận lợi, cơ bản hiện nay đã đạt được sự đồng thuận rất cao, cho nên có rất nhiều thuận lợi. Trong quá trình triển khai, dự án này thực chất đã được xem xét, có chủ trương nhưng sau đó tạm dừng vì một số lý do khách quan và bây giờ lại tiếp tục triển khai. Do đó cũng đã có quá trình chuẩn bị nhất định. Đấy là một thuận lợi rất lớn.
Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức. Đó là câu chuyện lựa chọn công nghệ, đó là đảm bảo an toàn và đó là góc độ có thể xảy ra sự cố hay không. Có một thách thức nữa mà nếu chúng ta đạt được thì rất yên tâm. Đó là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Đây là tiêu chuẩn chung.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta sẽ từng bước thận trọng thực hiện được việc này. Hiện nay công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đảm bảo an toàn ngày càng cao", ông Tân nói thêm.
Về xác định tổng mức đầu tư, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tại, Bộ Công thương dự kiến sơ bộ con số chưa phải chính xác nhưng chắc chắn cũng phải hàng tỷ đô. Còn phải tùy thuộc vào quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toà.
Nói về lợi ích khi triển khai dự án điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, chúng ta sẽ tạo được nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn kép hiện nay trong xu thế phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Nếu không có năng lượng nền để đáp ứng, phục vụ, cân đối lại nguồn điện thì rất nguy hiểm.
Nên với sự phát triển của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện xanh, sạch khác, đây là điều kiện tốt đảm bảo lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn kép vừa là nền, vừa xanh sạch
Đồng thời, chúng ta cũng sẽ có một nguồn năng lượng an toàn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không chỉ ở Ninh Thuận mà còn vùng xung quanh và đáp ứng nhu cầu toàn quốc. Thậm chí, tương lai với sự phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch, chúng ta còn hướng tới xuất khẩu.
Ngoài ra, việc triển khai dự án cũng tạo động lực để chúng ta có một nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử. Đây là khoa học nền tảng và tương lai còn phát triển, kéo theo cả một ngành công nghiệp cũng như nguồn nhân lực cao để phát triển đất nước.
Về phía tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, từ khi tạm dừng chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến nay đã 8 năm, Nhân dân vùng dự án mong muốn sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Khi nghe tin Trung ương và Quốc hội có chủ trương tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận luôn đồng tình, tin tưởng, chấp hành các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng.
"Đây là vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận khi Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục khởi động dự án trong bối cảnh tình hình yêu cầu phải đủ nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng sạch, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai theo hướng bền vững hơn", ông Trần Quốc Nam chia sẻ.