Hoài Đức chuyển đổi số nâng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hoài Đức: Không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự Huyện Hoài Đức tăng tốc để sớm lên quận |
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Theo đó, UBND huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh việc xác thực định danh điện tử để cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến; triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình, trong đó ưu tiên triển khai các dịch vụ công thiết yếu tại Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, đến nay, 100% thủ tục hành chính được kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; số hóa dữ liệu theo hướng dẫn, chỉ đạo của TP Hà Nội. Đặc biệt, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú được thực hiện đơn giản hóa tối đa, giải quyết nhanh gọn.
Đồng thời, huyện Hoài Đức cũng đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” mang lại sự thuận tiện cho người dân.
Hiện nay, tại Bộ phận Một cửa UBND huyện Hoài Đức niêm yết công khai 345 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện; 100% xã, thị trấn thực hiện 182 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã.
Ông Nguyễn Hoàng Trường - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức. |
Công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng quy định và luôn được giám sát chặt chẽ. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính được công khai, minh bạch để các tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện không có hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quá hạn; đã giải quyết đúng và trước hạn 3.502 hồ sơ; trong đó Bộ phận Một cửa huyện đã trả 2.046 hồ sơ, Bộ phận Một cửa cấp xã trả 73 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.
Huyện Hoài Đức cũng đã trang bị đầy đủ, đồng bộ mã QR tra cứu thủ tục, các trang thông tin “chính quyền điện tử” cấp huyện, xã tại bộ phận một cửa của 2 cấp giúp người dân thuận tiện và khách quan cho ý kiến đánh giá. Kết quả tỷ lệ đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trung bình đạt gần 99%.
Cùng đó, UBND huyện Hoài Đức cũng đã triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi và trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng cho 9.713 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, 2.201 đối tượng người có công với cách mạng, số tiền chi trả 5.036 tỷ đồng; 7.512 đối tượng bảo trợ xã hội, tổng số tiền chi trả 4.854 tỷ đồng.
Thành lập 136 tổ chuyển đổi số cộng đồng
Ngoài ra, huyện Hoài Đức cũng triển khai đợt tuyên truyền cao điểm vận động người dân đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản ngân hàng kết hợp với rà soát, xác minh, đồng bộ dữ liệu thông tin người hưởng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kết quả đến nay đạt 97,7%, với 7.026 người hưởng; thông qua việc chi trả các chế độ bằng tài khoản ngân hàng nhằm giúp người dân không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả; phương thức chi trả này cũng bảo đảm người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định.
Kiến nghị của công dân qua iHanoi được chính quyền huyện Hoài Đức phản hồi kịp thời. |
Nhằm tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, toàn huyện Hoài Đức đã thành lập 136 tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn với tổng số gần 1.000 người tham gia.
Các tổ chuyển đổi số cộng đồng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, mở tài khoản thanh toán trực tuyến và các dịch vụ số khác theo nhu cầu; triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ căn cước/thẻ căn cước công dân.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng Nhân dân thực hiện đăng ký tài khoản và sử dụng ứng dụng iHanoi – Công dân Thủ đô số trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Đến nay đã có khoảng 7.000 người trên địa bàn huyện cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Về phát triển chính quyền số, UBND huyện Hoài Đức cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân; tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Việc triển khai chữ ký số được thực hiện nghiêm túc, cập nhật kịp thời theo các văn bản chỉ đạo.
Huyện Hoài Đức cũng tiếp tục duy trì, vận hành các ứng dụng dùng chung của TP Hà Nội như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố, hệ thống quản lý cuộc họp, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…
Kết quả 95% hồ sơ công việc tại UBND huyện; 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 95% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Hệ thống họp trực tuyến phát huy hiệu quả, tỷ lệ các cuộc họp trực tuyến tăng, nhất là các cuộc họp có nhiều thành phần.