Hé mở về ý nghĩa quân sự đặc biệt của Thành cổ Sơn Tây

Thành Sơn Tây được xưng tụng là một trong "tứ trấn thành" của Thăng Long xưa kia.
Thị xã Sơn Tây tích cực chuẩn bị kỷ niệm 200 năm thành cổ

Công trình phòng thủ kiên cố, vững chắc

Thành Sơn Tây là lỵ sở của trấn Sơn Tây và tỉnh Sơn Tây thời Nguyễn. Ban đầu, lỵ sở của trấn Sơn Tây thời Nguyễn vốn đặt ở xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.

Do bị nạn nước sông lở xâm thực, triều đình Huế cắt cử đội Giám Thành đi khảo sát thực địa và quyết định dời lỵ sở trấn Sơn Tây đến khu vực hai xã Mai Trai và Thuần Nghệ thuộc huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai.

Đến tháng 3 nhuận năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mệnh điều động 2.000 quân ở Bắc Thành do Phó thống thập cơ Tả quân là Vũ Văn Thân chỉ huy, tiến hành đắp một tòa thành mới làm lỵ sở của trấn Sơn Tây, gọi là thành Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây
Thành cổ Sơn Tây

Trung tá, ThS Hà Duy Biển, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng cho hay: Trong hệ thống đơn vị hành chính trực thuộc trung ương của vương triều Nguyễn, Sơn Tây được xếp vào loại tỉnh to, quan trọng. Thành Sơn Tây là nơi đóng trị sở của quan Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, quản lý cả ba tỉnh là Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang.

Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng và củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn.

Tài liệu lịch sử cho thấy, tỉnh Sơn Tây gồm 5 phủ (Đoan Hùng, Lâm Thao, Quảng Oai, Quốc Oai, Vĩnh Tường), 22 huyện (Bạch Hạc, Bất Bạt, Đan Phượng, Đăng Đạo, Hạ Hoa, Hoa Khê, Hùng Quan, Lập Thạch, Minh Nghĩa, Mỹ Lương, Phù Ninh, Phúc Thọ, Sơn Dương, Sơn Vi, Tam Dương, Tây Quan, Thạch Thất, Thanh Ba, Tiên Phong, Yên Lạc, Yên Lãng, Yên Sơn), lỵ sở đóng tại thành Sơn Tây.

Hé mở về ý nghĩa quân sự đặc biệt của Thành cổ Sơn Tây

Từ đây, thành Sơn Tây trở thành trung tâm quan trọng bậc nhất của tỉnh Sơn Tây. Thành Sơn Tây được xây dựng theo đồ án hình vuông, theo kiểu thức Vauban - một phức hợp hệ thống phòng thủ với trung tâm là một tòa thành xây dựng theo kiểu mẫu của Châu Âu thế kỷ XVIII-XIX. Các tài liệu đều cho biết thành Sơn Tây gồm 4 mặt có kích thước giống nhau.

Mỗi mặt tường thành đều dài 81 trượng 5 thước 5 tấc (383,285m), thân thành dài 79 trượng 7 thước 7 tấc (373,919m), mặt ngoài tường thành cao 1 trượng 1 thước (5,17m), mặt trong tường thành cao, thước 6 tấc (3,102m), mặt thành rộng 9 thước 5 tấc (4,465m), chân thành rộng 1 trượng 5 thước (7,05m). Toàn bộ tường thành có chu vi 326 trượng 2 thước (1.533,14m).

Vị thế và sức mạnh quân sự của thành Sơn Tây

Ngay từ khi được xây dựng vào năm Nhâm Ngọ (1822), toàn bộ mặt ngoài và mặt trong của tường thành Sơn Tây đã được xây bằng đá ong. Đây là một loại vật liệu xây dựng đặc trưng của xứ Đoài. Bên ngoài hệ thống hào có đắp thêm một tường thành bao bằng đất, gọi là La Thành. Phía ngoài La Thành được trồng rào tre (tre gai).

Đây là “một dải đất cắm rào tre rậm rạp”, bên trên có những lỗ châu mai loại nhỏ, vuông để bắn súng từ tường thành, và những lỗ châu mai lớn, hình chữ nhật để bắn đại bác. Hàng rào tre bên ngoài “cao hơn ụ đất một đến hai mét” và có thể giúp ngụy trang, che khuất những lỗ châu mai này.

Thành Sơn Tây còn được bảo vệ bằng hệ thống đồn tiền tiêu và các vật chướng ngại được xây dựng cách xa tòa thành. Theo khảo sát thực địa và mô tả của bác sỹ người Pháp CharlesÉdouard Hocquard, trên đê Phù Sa hướng về phía Đông Nam của thành Sơn Tây có hai đồn tiền tiêu lớn án ngữ con đường đê nối thành Sơn Tây với thành Hà Nội.

Hiện nay, thành Sơn Tây được đánh giá cao vì giá trị văn hóa, lịch sử
Hiện nay, thành Sơn Tây được đánh giá cao vì giá trị văn hóa, lịch sử

Về lực lượng quân sự, Sơn Tây có vị trí và vai trò của một tỉnh lớn của Bắc Kỳ và tỉnh trung tâm của liên tỉnh Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang. Bởi vậy, tỉnh Sơn Tây được bố trí lực lượng phòng thủ hùng hậu và trang bị nhiều vũ khí.

Phần lớn lực lượng phòng thủ và số vũ khí được trang bị cho tỉnh Sơn Tây được bố trí ở thành Sơn Tây - nơi đóng trị sở của viên quan Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên và bộ máy hành chính của tỉnh Sơn Tây.

Lực lượng phòng thủ của tỉnh Sơn Tây gồm hai bộ phận là bộ binh và tượng binh, không có thủy binh. Với cấu trúc, quy mô của một tòa thành có những đặc điểm tiên tiến rõ rệt về quân sự, kết hợp với lực lượng quân đội đồn trú đông đảo vàtrang bị nhiều vũ khí, thành Sơn Tây thực sự là một công trình phòng thủ kiên cố, vững chắc.

Sức mạnh phòng thủ của thành Sơn Tây được thể hiện rõ vào cuối thế kỷ XIX, trong cuộc tấn công của quân Pháp vào thành Sơn Tây tháng 11 năm Quý Tỵ (1883). Trước sức mạnh vượt trội về chiến thuật và trang bị vũ khí của quân Pháp, đặc biệt là hỏa lực, lực lượng phòng thủ đã dựa vào tòa thành Sơn Tây, kiên cường chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của quân địch trong suốt 5 ngày, từ ngày 14 tháng 11 năm Quý Tỵ (13-12-1883) đến ngày 18 tháng 11 năm Quý Tỵ (17-12-1883), trong đó có nhiều lần phản công buộc quân Pháp phải rút lui ra xa khỏi tòa thành.

Tuy nhiên, cuối cùng, thành Sơn Tây đã bị công chiếm và phá hủy một phần vào tảng sáng ngày 18 tháng 11 năm Quý Tỵ (17-12-1883), kết thúc vị trí và vai trò của một công trình phòng thủ kiên cố, vững chắc trong suốt hơn 60 năm của vương triều Nguyễn trên mảnh đất xứ Đoài.

Vũ Cường
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động